Thăm 5 làng gói bánh chưng nức tiếng toàn miền Bắc

Thăm 5 làng gói bánh chưng nức tiếng toàn miền Bắc

Bánh chưng Lỗ Khê

Làng gói bánh chưng truyền thống Lỗ Khê thuộc xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội. Bánh chưng Lỗ Khê độc đáo nhất ở phần nhân bánh, bởi được làm rất cầu kỳ, có vị đậm đà hơn hẳn so với bánh chưng được làm ở nơi khác.

Đỗ xanh làm nhân bánh được chọn lọc rất kỹ, là loại đỗ hạt tiêu nhỏ, hạt tròn mây mẩy. Sau khi vỡ đỗ, người làm bánh ngâm cho tróc vỏ, đãi sạch, để ráo và hấp chín. Thịt lợn phải là loại nạc vai, dính chút mỡ để tạo vị béo ngậy, nhấn nhá thêm vị cay và thơm nồng của tiêu hột xay. Đến thăm làng Lỗ Khê ngày cuối năm sẽ thấy rõ sự tấp nập, hối hả của những chiếc xe máy “cà tàng” của khách bán buôn lá dong.

Trong làng, sân nhà nào cũng đầy ắp những chiếc lá dong được rửa sạch, gạo nếp ngâm, đỗ xanh thơm nức, xoong thùng đã chuẩn bị sẵn sàng lên bếp lửa. Có những nhà gói bánh quy mô lớn thì chỉ trong ba ngày 27, 28, 29 Tết có thể xuất đến 5.000 chiếc. Thời gian này cũng là thời điểm các khách mua buôn, khách đến đặt hàng rất đông. Bánh của làng chủ yếu phục vụ vùng ngoại và nội thành Hà Nội. Thời gian cao điểm, các lò bánh “đỏ lửa” từ khoảng 22 tháng Chạp đến tận 30 Tết. Làng nghề truyền thống Lỗ Khê đã có nhiều cải tiến cách làm bánh nhưng người dân vẫn luôn tuân thủ nguyên tắc truyền thống có từ ngàn xưa.

Làng bánh chưng Tranh Khúc

Làng Tranh Khúc thuộc xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì (Hà Nội) có lẽ được nhiều người biết tới nhất. Trước đây, gần như cả xã Duyên Hà nằm ở ngoài đê sông Hồng úng ngập triền miên. Đến thập kỷ 70 của thế kỷ trước, một phần thôn Tranh Khúc phải tách ra, lập làng mới là Tranh Khúc ”ngọn” còn làng cũ là Tranh Khúc ”gốc”.

Nghề làm bánh chưng ở Tranh Khúc mang tính gia truyền, người thôn khác rất khó “học lỏm”. Những người gói bánh chuyên nghiệp ở Tranh Khúc không cần dùng khuôn mà mỗi tiếng gói được 80 chiếc, vuông chằn chặn.

Khi gói, người gói phải chặt tay, đúng quy cách, đúng trọng lượng, luộc phải đủ giờ. Làm bánh chưng tưởng như đơn giản nhưng thực ra đòi hỏi cao về kỹ thuật, chỉ cần một kỹ thuật không đúng như lá không sạch, than nấu kém chất lượng, pha nước không đúng giờ cũng ảnh hưởng ngay đến sản phẩm.

Đến nay, những chiếc bánh chưng Tranh Khúc dẻo, thơm ngon không chỉ được người dân Hà Nội ưa chuộng, mà còn được người dân nhiều nơi biết tiếng, góp phần làm phong phú thêm danh sách món ngon đất Hà thành.

Ảnh minh họa

Bánh chưng Làng Bạc ở Phú Thượng – Tây Hồ.

Tuy không nhiều lò bánh so với các làng khác nhưng làng lại có những dòng họ lớn chuyên làm bánh chưng từ bao đời nay. Có lẽ vì thế mà bánh chưng làng Bạc được nhiều người Hà Nội ví là “bánh chưng vàng, chưng bạc” bởi giá đắt và chất lượng cũng thuộc loại ngon nhất nhì trong số các làng làm bánh quanh Thủ đô. Có lẽ bí quyết nằm ở tay gói bánh. Và những nghệ nhân gói bánh làng Bạc luôn thuộc 10 chữ “vàng” để tạo nên thương hiệu bánh chưng làng Bạc là “thịt nằm kín trong đỗ, đỗ nằm kín trong gạo”. Thế nên những đầu mối đặt bánh chưng ở các chợ như Đồng Xuân, Hàng Da, Chợ Hôm… đều có chung quan điểm là bị bánh chưng làng Bạc “bỏ bùa” bởi hương thơm, dền, đầy đặn, vừa ăn nên khách hàng rất chuộng.

Bánh chưng Bờ Đậu

Làng bánh chưng Bờ Đậu thuộc xã Cổ Lũng, Huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, nằm trên km 8 đến km10 trên quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên đi Bắc Cạn. Làng bánh này cũng có tuổi đời từ rất lâu và cũng khá nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Ngoài loại bánh vuông truyền thống, bánh chưng tròn của làng cũng rất ngon, bánh chắc nịch, ăn dẻo, dền, vị thơm tỏa ra từ trong tới ngoài vỏ bọc.

Nếp để làm bánh là loại nếp nương đặc sản vùng Định Hóa. Lá dong được lấy từ trong rừng nên có mùi thơm đặc trưng của vùng núi rừng của Thái Nguyên. Người làm bánh thường chọn lá nếp, có mày xanh nhạt, độ mềm dai của lá lúc đó đạt tới ngưỡng tốt nhất để gói bánh. Thêm nữa, nước luộc bánh là nguồn nước tự nhiên, nước từ giếng khơi có nguồn chảy từ trong núi ra. Do đó, hương vị của bánh đậm đà, thơm ngon.

Bánh chưng làng Đầm

Bún làng Tái, bánh đa làng Chiều, bánh chưng- đậu phụ làng Đầm là câu nói cửa miệng của người Hà Nam nói về đặc sản quê hương mình. Làng Đầm thuộc xã Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Đây là vùng đất có truyền thống làm bánh từ trăm năm nay. Nghề làm bánh tại làng chỉ thực sự sôi động vào giáp Tết. Bánh chưng trong làng chủ yếu làm bằng nguyên liệu từ địa phương sản xuất ra. Riêng lá rong, vào vụ bánh thì có nhập thêm từ nơi khác về. Điểm đặc biệt nhất tạo nên hương vị riêng của bánh chưng nơi đây là từ nước và nồi luộc bánh. Đến làng Đầm, vào nhà nào cũng thấy có một bể nước mưa rất lớn. Người dân làng Đầm chỉ dùng nước mưa để luộc bánh, nguyên liệu phải thật sạch. Hơn nữa bánh chưng làng Đầm có vị thơm ngon là do người làng dùng gạo Hải Hậu để nấu. Chọn loại đỗ xanh vàng mẩy, hạt tiêu phải tự rang và xay, thịt ba chỉ đều các phần nạc mỡ. Chính bí quyết đơn giản đó tạo nên vị thơm ngon, bánh giữ được lâu. Làm bánh chưng là nghề truyền thống ở làng Đầm. Người dân từ kinh nghiệm truyền thống đã đúc rút được nhiều cách làm bánh ngon. Bà con gồng gánh đi khắp các chợ ở những vùng lân cận để bán; được ưa chuộng, vậy là thành nghề. Bánh chưng làng Đầm đã đi khắp Hà Nội, Nam Định rồi vào cả miền Trung.

Thăm 5 làng gói bánh chưng nức tiếng toàn miền Bắc
Những hiện tượng thiên nhiên kỳ vĩ độc đáo nhất
(Khám phá) – Những hiện tượng thiên nhiên dưới đây rất độc đáo, kỳ lạ, và nhiều hiện tượng khoa học chưa có lời giải thích.

Nguồn: Phong Linh (TH)/Theo Khỏe & Đẹp

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.