Thăm dò dầu khí theo dấu vết loài giun biển

Các nhà khoa học ở Phòng thí nghiệm Sinh vật không xương sống biển thuộc Đại học Liên bang Viễn Đông (Nga) đã phát hiện rằng những con giun biển pogonophore có thể “mách nước” trong việc thăm dò dầu mỏ và khí đốt dưới đáy biển. Các nhà khoa học đã công bố công trình nghiên cứu của mình trên trang web của trường.


Các khu vực có giun biển pogonophore sinh sống chính là nơi có triển vọng để tìm kiếm dầu và khí đốt.

Trưởng phòng thí nghiệm Vladimir Malakhov nói về những đặc thù cấu trúc của loài giun biển, trong đó chỉ ra khả năng sử dụng chúng như các dấu hiệu chỉ báo các mỏ dầu khí. Theo ông, khi ở dưới nước biển sâu, cơ thể của những sinh vật không xương sống này có một cơ quan đặc biệt nơi tồn tại loài vi khuẩn chemosynthetic chuyên tiến hành oxy hóa khí metan. Nhà khoa học cho biết quá trình này diễn ra cùng với việc tạo ra năng lượng được sử dụng để tổng hợp các chất hữu cơ.

“Quá trình đó tương tự như quang hợp, nhưng năng lượng được sinh ra không phải do ánh sáng mặt trời mà do oxy hóa metan, cần thiết cho cuộc sống của giun biển pogonophore ở nồng độ khá cao – không ít hơn 1ml trên mỗi lít bùn đất. Điều này cho phép chúng ta kết luận rằng các khu vực có giun biển pogonophore sinh sống chính là nơi có triển vọng để tìm kiếm dầu và khí đốt – Vladimir Malakhov kết luận.

Theo khẳng định của các nhà nghiên cứu, có thể dễ dàng phát hiện thấy loài giun biển pogonophore sinh sống nhiều ở những nơi đang khai thác dầu và khí đốt, ví dụ tại vùng biển Bắc và Barents.

 

Theo motthegioi