Tháng 4-2007, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng tàu thăm dò mặt trăng mang tên Hằng Nga 1. Nhưng Trung Quốc không phải là nước châu Á duy nhất có tham vọng lớn này.
Trong cuộc chạy đua với hai cường quốc dày dạn kinh nghiệm là Mỹ và Liên Xô trước kia (Liên bang Nga hiện nay) lên mặt trăng, Ấn Độ, Nhật Bản và cả Malaysia cũng đều muốn góp mặt.
Theo các nhà khoa học phương Tây, có thể nói “thời đại hoàng kim của cuộc thám hiểm mặt trăng” đã được khai trương vào năm 2003 khi Cơ quan hàng không vũ trụ châu Âu (ESA) phóng tàu thăm dò vũ trụ SMART-1 vào ngày 27-9-2003. Đây là tàu thăm dò đầu tiên của ESA do các nhà khoa học Thụy Điển thiết kế.
Ngày 3-9-2006, theo kế hoạch, SMART-1 đã đâm đầu vào mặt trăng, hoàn thành sứ mệnh một cách vẻ vang sau khi gửi về trái đất hàng vạn bức ảnh quý giá chụp bề mặt mặt trăng dưới nhiều góc độ khác nhau. Kho dữ liệu đồ sộ này sẽ giúp ESA lên được bản đồ mặt trăng ba chiều, phân tích thành phần hóa học của đất mặt trăng bằng X-quang kính quang phổ.
Dự án Hằng Nga
Mô hình phi hành gia TQ trên mặt trăng trong dự án Hằng Nga (Ảnh: astronautix) |
Cuộc thám hiểm đã trở nên sôi nổi hẳn khi Trung Quốc (TQ), Nhật Bản, Ấn Độ và Malaysia cũng lên kế hoạch chinh phục chị Hằng cho “bằng chị bằng em” với ba ông lớn Mỹ, Nga và Liên hiệp châu Âu (EU).
Hoành tráng nhất và cũng có tiềm lực mạnh nhất hiện nay là TQ. Tháng 11-2000, quốc vụ viện nước này công bố những tham vọng của mình trong một cuốn bạch thư về việc thám hiểm mặt trăng với “dự án Hằng Nga”.
Dự án này gồm ba bước:
1. Phóng một tàu thăm dò bay vòng quanh mặt trăng ở độ cao 200 km, chụp ảnh ba chiều toàn bộ mặt trăng.
Ngày 12-10 vừa qua, Tôn Lại Yên, Giám đốc Cơ quan Không gian vũ trụ quốc gia TQ (CNSA), cho biết trong một cuộc họp báo rằng tàu thăm dò này – mang tên Hằng Nga 1 – đã được hoàn chỉnh và TQ sẽ phóng lên mặt trăng trong năm tới. (Một nguồn tin của Ấn Độ nói Hằng Nga 1 sẽ được phóng lên vào tháng 4-2007).
Các nhà khoa học sẽ dùng các dữ liệu từ tàu Hằng Nga 1 gửi về để phân tích bề mặt mặt trăng, đo đạc tỉ trọng đất mặt trăng. Bước này sẽ kết thúc vào năm 2010.
2. Đưa một hoặc nhiều xe robot đổ bộ lên mặt trăng lấy mẫu đất và gửi dữ liệu về mặt đất bằng sóng radio.
Bước này sẽ được thực hiện từ 2010 đến 2012.
3. Năm 2015 sẽ đưa robot tân tiến hơn lên mặt trăng lấy mẫu vật (đất và đá) rồi bay trở về trái đất.
Ba bước nói trên chỉ là giai đoạn một của chương trình thám hiểm mặt trăng, hoàn toàn do máy móc thực hiện. China Daily năm 2001 cho biết trong giai đoạn tiếp theo, TQ có thể sẽ đưa người lên mặt trăng vào năm 2020.
Tuy nhiên, tổng công trình sư Vương Dũng Chí cho biết TQ có thể gác lại chương trình này do khả năng tài chính có hạn, mặc dù TQ từng hai lần đưa người lên quỹ đạo trái đất và dự tính đi bộ trong không gian vào năm 2008.
Mục đích của TQ là gì? Theo hãng tin Tân Hoa Xã, “TQ cần có một vị trí quan trọng hơn trong lãnh vực khoa học không gian vũ trụ thế giới và nâng cao công nghệ thám hiểm vũ trụ của TQ lên một tầm cao mới. Nó cho phép nâng cao uy tín quốc gia và thúc đẩy tinh thần dân tộc”.
Đệ nhị anh hào Ấn Độ
Ấn Độ – nước đông dân thứ hai trên thế giới – cũng có những tham vọng thám hiểm mặt trăng không kém TQ. Tháng 9-2004, tổ chức nghiên cứu không gian vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã công bố kế hoạch phóng tàu thăm dò Chandrayaan 1 (tiếng Sanskrit có nghĩa là Phi thuyền Mặt Trăng) vào tháng 2-2008.
Chandrayaan 1 sẽ được phóng từ Trung tâm Không gian vũ trụ Satish Dhawan tọa lạc trên đảo Sriharikota, cách thành phố Chennai 100 km. Nhiệm vụ của nó là – trong vòng 2 năm – thu thập thông tin để lên một bàn đồ Atlas ba chiều về địa hình và đặc điểm hóa học của mặt trăng.
Một nhiệm vụ khác cũng hết sức quan trọng là xác định những kho dự trữ khổng lồ nước và khí helium, một nguồn năng lượng sạch vô cùng quý giá cho các đoàn thám hiểm mặt trăng trong tương lai. Chandrayaan 1 cũng có tham vọng vén màn bí mật về nguồn gốc và quá trình hình thành của mặt trăng vốn làm đau đầu các nhà thiên văn.
Theo báo The Tribune, Ấn Độ, tàu Chandrayaan 1 nặng khoảng 1,3 tấn (trong đó chiếc phi thuyền bay vòng quanh mặt trăng nặng 504 kg), sẽ mang theo 6 thiết bị khoa học của ISRO và 6 thiết bị khác của 3 cơ quan hàng không vũ trụ của bạn là NASA (Mỹ), ESA (EU) và Bulgaria.
Từ việc phóng một tên lửa nặng 9 kg tại một cơ sở nghiên cứu không gian nằm trong làng chài Thumba ở bang Kerala vào năm 1963 đến chương trình thám hiểm mặt trăng Chandrayaan 1, Ấn Độ đã có một bước nhảy vọt về công nghệ.
Từ Selene đến Kuala Lumpur
Nếu tính theo mốc thời gian, Nhật là nước châu Á đầu tiên phóng các phi thuyền thám hiểm mặt trăng. Năm 1990, Nhật đã viếng thăm mặt trăng bằng phi thuyền Hiten và trở thành nước thứ ba (sau Mỹ và Liên Xô) có phi thuyền bay trên quỹ đạo mặt trăng.
Tuy nhiên, các dự án thám hiểm mặt trăng của Nhật sau đó gặp nhiều trục trặc, phần lớn do tên lửa H-2A phóng tàu thăm dò bị trục trặc luôn. Ngoài ra còn có vấn đề kinh phí.
Dự án Selene (Thần mặt trăng, theo tiếng Hy Lạp) chẳng hạn dự kiến phóng năm 2003 đã phải hoãn lại đến tháng 8 -2007. Tàu Selene nặng gần 2 tấn gồm có 3 đơn vị: tàu quỹ đạo, vệ tinh tiếp sóng và vệ tinh VLBI. Tàu quỹ đạo, nặng 1,6 tấn, sẽ bay vòng quanh mặt trăng ở độ cao 100 km thu thập thông tin về nguồn gốc, quá trình tiến hóa của mặt trăng.
Sau khi đăng ký với Cơ quan Không gian Nga cho một phi hành gia bay lên Trạm Không gian quốc tế ISS vào tháng 10-2007 (đổi lại sẽ mua 18 chiếc máy bay Sukhoi nổi tiếng của Nga), Malaysia đã làm dư luận châu Á rúng động khi tuyên bố sẽ đưa một công dân Malaysia lên mặt trăng vào năm 2020.
Nhật báo The Star cho biết Malaysia đang lựa chọn 8 người trong số 11.275 người Malaysia đăng ký làm phi hành gia để đưa sang Nga luyện tập 8 tháng. Một người duy nhất sẽ được chọn để thực hiện chuyến thám hiểm vũ trụ đầu tiên.
Văn Anh
Theo Người lao động, Tiền phong