Thăm làng tranh Đông Hồ

Thăm làng tranh Đông Hồ - 1

Nghề làm tranh ở Đông Hồ có từ thời Lê, khoảng thế kỷ XVI, với những đề tài đa dạng: lịch sử (các anh hùng dân tộc) sinh hoạt ( đấu vật, đánh đu, hội làng, hứng dừa, đánh ghen…).

Tranh dân gian Đông Hồ được cả nước biết đến với những câu ca dao đằm thắm: “Hỡi cô thắt lưng bao xanh/ Có về làng Mái với anh thì về /Làng Mái có lịch có lề /Có ao tắm mát có nghề làm tranh…”.

Làng Mái là tên ngày xưa của làng ĐH, xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khỏang hơn 30 km. Làng tranh phát triển thịnh vượng nhất từ khoảng nửa cuối thế kỷ 19 đến năm 1945, với tấp nập kẻ bán người mua: “Dù ai buôn bán trăm nghề/ Nhớ đến tháng chạp thì về buôn tranh”. Cứ mỗi độ tết đến xuân về, cả làng lại tấp nập cảnh người người mua tranh, nhà nhà treo tranh Đông Hồ. Vì vậy, tranh Đông Hồ còn được gọi là tranh tết.

Thăm làng tranh Đông Hồ - 1


In tranh

Thoạt nhìn, những bức tranh Đông Hồ thật đơn sơ và mộc mạc. Song, mỗi bức tranh đều chứa đựng những triết lý thâm trầm, khát vọng sâu xa, ý tứ giản dị, rất đời nhưng cũng rất đạo. Ví dụ như bức Vinh hoa (em bé ôm gà trống) là mơ ước của cha mẹ vào sự thành đạt của con cái qua hình tượng con gà trống: mào gà là mũ cánh chuồn ( văn), cựa là sức mạnh (vũ), nhân ( tính thảo ăn) và tín ( báo thức hàng ngày). Hoặc, bức Hái dừa: chồng trên cây, vợ đứng dưới đưa váy hứng dừa, thể hiện khát vọng bình đẳng giới…

Thăm làng tranh Đông Hồ - 2

Bôi màu

Tranh Đông Hồ được ưa chuộng vì màu sắc bền và đẹp, không nhạt nhòa theo năm tháng, không mất màu bởi ánh sáng, không bị hủy họai do khí hậu, môi trường. Bởi vì, chúng được làm từ những nguyên liệu đặc biệt, những tinh túy được chắt lọc từ thiên nhiên. Giấy in tranh làm từ lọai cây dó mọc trên rừng, giống như vỏ cây bạch đàn. Cây dó đem về cho vào cối giã thật nhỏ, rây thành bột mịn. Sau đó, dùng bột này chế biến thành giấy dó.

Thăm làng tranh Đông Hồ - 3

Phơi giấy

Các lọai màu cũng được khai thác từ thiên nhiên. Màu trắng tinh khiết và óng ánh làm từ những cái mai con điệp giã nhỏ, rây mịn. Sau đó trộn với bột hồ gạo nếp. Quết hồ điệp lên giấy dó sẽ làm giấy cứng và xốp. Đỏ thắm là màu của cây vang, đỏ son là gạch son khai thác từ trên núi. Màu vàng của hoa hòe, màu cam trộn lẫn giữa vỏ cây vang và vàng hòe, màu xanh của lá chàm mua tận Lạng Sơn, màu đen là tro lá tre hay tro rơm nếp …

Thăm làng tranh Đông Hồ - 4

Vinh Hoa

Màu tranh Đông Hồ không chỉ phản ánh màu thực tế mà còn lột tả được chiều sâu ngôn ngữ. Màu đỏ diễn tả sự nóng bức, ngột ngạt, màu xanh tượng trưng cho sự thanh bình, màu vàng tươi là cảnh sắc của mùa xuân …

Thăm làng tranh Đông Hồ - 5

Hứng dừa

Tranh dân gian Đông Hồ làm thủ công, hoặc in từ các bản khắc gỗ, hoặc vẽ tay. Thợ in tranh sẽ in lần lượt từng lọai màu rồi phơi khô mới đưa in màu khác. Cứ tuần tự, bao nhiêu màu trong tranh thì in chừng ấy lượt. Khi in, người thợ phải tập trung và đều tay. Ấn mạnh một chút có thể loang, ấn nhẹ không đồng màu, hoặc mờ nhạt đường nét và như thế là bị lọai.

Tuy hiện nay, làng tranh Đông Hồ không còn hoạt động náo nhiệt như trước, nhưng nơi đây vẫn luôn là địa chỉ tham quan hấp dẫn đối với du khách trong và ngòai nước.