Số phận của những con voi châu Phi đang trở nên mong manh nhất trong vòng 20 năm qua do hoạt động liều lĩnh và rầm rộ của những kẻ săn trộm.
Xác ba con voi nằm chất đống lên nhau dưới ánh nắng nóng như thiêu đốt của Kenya. Trong cơn hoảng loạn, chắc chắn những con voi đã co cụm vào nhau hòng tìm kiếm sự an toàn. Một vệt máu đen dày giúp người ta tìm thấy nơi mà chúng trút hơi thở cuối cùng, BBC đưa tin.
9 con voi đã bị sát hại bên ngoài công viên quốc gia Tsavo, phía đông nam Kenya vào tháng trước. Trong tháng này, một bầy voi gồm 12 con cũng bị bắn chết trong khu vực ấy. Trong cả hai vụ thảm sát, phần mặt voi đã bị chém để lấy ngà; giòi bọ, ruồi muỗi bâu kín phần còn lại.
“Đó là một con số lớn với một vụ việc riêng lẻ. Chúng tôi không phát hiện vụ việc tương tự trong những năm gần đây, thậm chí trước khi tôi tham gia lực lượng bảo vệ động vật hoang dã”, ông Samuel Takore, một thành viên của Lực lượng bảo vệ động vật hoang dã Kenya (KWS) nhận xét.
Ông Takore đã làm việc ở công viên quốc gia Tsavo vào những năm 80. Những câu chuyện của ông cho thấy một xu hướng bao quát hơn: khắp châu Phi, tình trạng săn bắt voi đang lên tới mức cao nhất trong vòng 20 năm qua.
Trong những năm 80, hơn một nửa số voi châu Phi đã bị xóa sổ. Hầu hết chúng chết do những kẻ săn trộm voi lấy ngà.
Thi thể ba con voi bị bọn săn trộm sát hại vào giữa tháng 1 tại Kenya. (Ảnh: BBC)
Nhưng vào tháng 1/1990, nhiều nước trên thế giới đã ký một lệnh cấm quốc tế về việc buôn bán ngà voi. Nhu cầu sử dụng ngà voi trên thế giới giảm nhờ một chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng trên toàn thế giới. Số lượng voi đã bắt đầu tăng trở lại. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, những tiến triển này đã bị đảo ngược.
Giới bảo tồn ước tính 25.000 con voi đã bị sát hại trong năm 2011. Người ta vẫn đang đối chiếu số liệu năm 2012, tuy nhiên chắc chắn con số này sẽ cao hơn.
Những người vận động cho hoạt động bảo vệ voi đang đổ lỗi cho Trung Quốc.
“Trung Quốc là nước tiêu thụ ngà voi lớn trên thế giới”, tiến sĩ Esmond Martin, một chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn đã theo dõi hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp trên toàn thế giới trong hàng chục năm, nhận định.
Gần đây, ông đã quay trở lại Nigeria, nơi ông tiến hành một chuyến thị sát việc buôn bán ngà voi tại thành phố Lagos. Những phát hiện của ông thật đáng giật mình.
Martin và những người cộng sự đã đếm được hơn 14.000 ngà voi hoặc các sản phẩm từ ngà voi tại khu chợ Lekki, thành phố Lagos.
Trong lần khảo sát trước đó vào năm 2002 tại khu chợ ấy, họ phát hiện khoảng 4.000 vật phẩm từ ngà voi. Như vậy, con số này đã tăng gấp 3 lần trong vòng 10 năm.
Kết quả của cuộc điều tra cho thấy Nigeria là trung tâm trong hoạt động buôn bán trái phép ngà voi châu Phi.
Năm 2011, chính phủ Nigeria đã ban hành lệnh cấm nghiêm ngặt nhằm kiểm soát hoạt động buôn bán ngà voi. Việc trưng bày, quảng cáo, mua hoặc bán ngà voi đều là hành vi bất hợp pháp.
Song, theo tiến sĩ Martin, Lagos đã trở thành thị trường bán lẻ ngà voi bất hợp pháp lớn nhất ở châu Phi.
“Ngà voi được vận chuyển bằng nhiều con đường từ Đông Phi, từ Kenya tới Nigeria. Người dân Nigeria xuất khẩu ngà voi sang Trung Quốc. Các quốc gia láng giềng xuất khẩu nhiều loại mặt hàng từ ngà voi sang Nigeria. Do vậy, đây là một trung tâm tập trung và phân phối ngà voi cũng như các sản phẩm từ chúng”, ông cho biết.
Theo VNE