“Xuân dược” và thứ nguyên liệu quái đản
Để có thể “tận dụng” hết những mỹ nữ bạt ngạt trong hậu cung, vua Minh Thế Tông (Đời nhà Minh, Trung Quốc) đã treo thưởng cao cho những ai chế được phương thuốc xuân dược hiệu nghiệm. Người hiến xuân dược trong thiên hạ ngày càng nhiều, trong số đó phương thuốc “tiếp mệnh thần đan” của Đào Trọng Văn (theo tương truyền thì đây là kẻ đã từng học phép thuật phù thủy) được nhà vua trọng dụng.
Khi dâng loại thuốc bí truyền này lên nhà vua, Đào Trọng Văn “quảng cáo” rằng: Uống loại “xuân dược” này người sẽ trẻ ra, máu huyết lưu thông, sức khỏe cường tráng và đặc biệt sẽ vô cùng mạnh mẽ, dẻo dai trong chốn phòng the và trường sinh bất lão. Họ Đào vốn chỉ là một tên quan coi kho chẳng mấy ai biết tới nhưng nhờ hiến phương thuốc bào chế xuân dược đã được vua Minh Thế Tông sủng ái. Hắn nhanh chóng trở thành một nhân vật hiển quý bậc nhất trong triều đình. Sau khi dâng thuốc, họ Đào được thăng chức rất cao, ban thưởng rất hậu và giữ lại trong cung hằng ngày cùng nhà vua luyện phép tu tiên và chế xuân dược.
Nhờ có “thuốc bí truyền” và miệng lưỡi dẻo hoạt, họ Đào rất biết cách dùng những lời lẽ kích động thú tính dâm dục trong con người Minh Thế Tông. Chính vì thế vị vua tham mê nhục dục này dù lúc đó đã ngoài 50 tuổi, sau khi uống thuốc của họ Đào có thể mây mưa với cung tần mỹ nữ liên tục tùy theo ý muốn, cả ngày lẫn đêm. Từ đó, Minh Thế Tông càng sao nhãng công việc triều chính, thậm chí còn làm rối loạn cả trật tự hậu cung. Luật thời đó ghi rõ, cung nữ sau khi được nhà vua ngự hạnh, sáng hôm sau sẽ phải tới báo danh để tạ ơn và sẽ được nhà vua ban cho danh hiệu. Nhưng Thế Tông đã ngự hạnh loạn xạ, không kể ngày đêm nên việc tạ ơn và ban thưởng không sao thực hiện được.
Theo tương truyền thì phương thuốc bí truyền của họ Đào cực kỳ quái dị. Theo đó, nguyên liệu số một để chế “Hồng diên hoàn” là kinh nguyệt lần đầu của phụ nữ (hồng diên) đựng trong những vật dụng bằng kim loại rồi cho thêm sương đêm, ô mai vào, sau đó đem sắc bảy lần. Sau khi đã sắc bảy lần những loại nguyên liệu đó lại cho thêm trầm hương, chu sa, nhựa thông,… rồi luyện bằng lửa, cuối cùng mới cô đặc lại chế thành thuốc viên để dùng.
Đất nước hỗn loạn chỉ vì một loại “xuân dược”
Để chế loại “xuân dược” quái đản này, Minh Thế Tông đã tổ chức rất nhiều đợt tuyển mỹ nữ với độ tuổi chỉ từ 11-16 để lấy “nguyên liệu”. Theo sách “Minh thực lục” có chép: Từ năm 1547 cho tới năm 1564, Hoàng đế triều Minh đã chọn vào cung hơn 1.000 thiếu nữ vào cung. Cụ thể như: Năm Gia Tĩnh thứ 26, tức năm 1547, tuyển 300 thiếu nữ tuổi từ 11-14 vào cung. Năm Gia Tĩnh thứ 31, tức năm 1552, lại tuyển 300 người. Tháng 9 năm 34, tức năm 1555, tuyển 160 bé gái tuổi dưới 10 tuổi, tháng 11 năm cùng năm lại tuyển thêm 20 thiếu nữ ở vùng Hồ Quảng (Hồ Nam và Hồ Bắc của Trung Quốc ngày nay). Tháng giêng năm Gia Tĩnh thứ 43, tức năm 1564, tuyển 300 cung nữ.
Như vậy chỉ tính riêng chuyện đi tuyển người rồi bào chế thứ được xem là “xuân dược” cho Minh Thế Tông đã tiêu tốn khá nhiều công sức, tiền của và lũng loạn xã hội thời bấy giờ. Vì không ít cô gái bị bắt khi còn quá nhỏ tuổi ngày đêm kêu khóc vì nhớ cha mẹ, nhiều gia đình rơi vào cảnh hoảng loạn vì con gái bị bắt đi. Có gia đình thì phải dấu con gái do lo sợ bị bắt. Không chỉ vậy, sự dâm loạn và tàn độc của Minh Thế Tông đã dẫn tới một cuộc nổi loạn trong cung khi những người tham gia cuộc nổi loạn này toàn bộ đều là cung nữ. Những cô gái bị bắt vào cung để lấy “dược liệu” bào chế xuân dược, sau đó lại được dùng để kiểm tra chất lượng của loại thần dược này đã không chịu được sự áp bức của ông chủ hậu cung và quyết định làm loạn.
Dương Kim Anh là cung nữ cầm đầu cuộc nổi loạn sau đó mười mấy cung nữ cùng lúc xông lên, dùng dây thừng siết vào cổ Hoàng đế Thế Tông, định giết chết ông ta… Cuộc nổi loạn tuy không thành công nhưng cũng khiến vị Hoàng đế hoang dâm vô độ của Minh triều được một phen khiếp vía. Thoát được đại nạn lần đó nhưng không có nghĩa là lưới trời buông tha tên hôn quân vô đạo. Chỉ sau 9 năm kể từ ngày sử dụng loại “xuân dược” này, Minh Thế Tông đã chết vì ngộ độc, hưởng thọ 59 tuổi.
Hôn quân Minh Thế Tông chết nhưng những cô gái ở độ tuổi dậy thì vẫn không được yên thân. Kẻ nối ngôi Thế Tông là Mục Tông cũng học theo người cha của mình sử dụng loại “xuân dược” quái đản này và hắn cũng chết bởi ngộ độc “hồng diên hoàn” này khi chưa đầy 36 tuổi. Đã hai án mạng xảy ra vì sử dụng thường xuyên “hồng diên hoàn” nhưng kẻ kế vị tiếp theo là Chu Thường Lạc lại tiếp tục học theo ông và cha tin dùng nó. Vì vậy thái tử Chu Thường Lạc, con vua Thần Tông và là cháu của Mục Tông, chưa kịp lên ngôi thì đã chết một cách bất đắc kỳ tử vì xuân dược. Sử sách gọi đây là “vụ án Hồng diên hoàn” nổi tiếng trong lịch sử triều chính Trung Quốc.
“Hồng diên hoàn” chỉ là thứ uế trọc và vô dụng
Trong cuốn “Hậu cung nhà Thanh” có viết: “Tiếp mệnh thần đan” tuy được một số nhà luyện đan và nhà dưỡng sinh suy tôn hết mức nhưng trên thực tế tác dụng của nó lại không được thần kỳ như mong đợi”. Vì thế mà tới thời nhà Thanh, chẳng thấy còn mấy ai để ý tới loại thần dược này nữa. Đối với loại nguyên liệu “hồng diên”, Lý Thời Trân – nhà dược học nổi tiếng cuối thời Minh đã thẳng thắn bác bỏ. Trong sách “Bản thảo cương mục”, ông viết rằng: “Kinh nguyệt là thứ không sạch sẽ, bọn phương sĩ dùng tà thuật để tô vẽ, coi đó là loại thần dược bí truyền. Nhiều kẻ ngu muội đã tin theo những điều vô căn cứ đó nên mới đưa thứ uế trọc này vào người, làm cho âm dương khí huyết bị thương tổn, sinh ra đủ thứ bệnh tật… đâu có biết rằng, đó là thứ người quân tử cần phải tránh xa”. Các nghiên cứu về sau cũng đã khẳng định, trong “hồng diên” cũng như kinh nguyệt của phụ nữ không chứa các chất có tác dụng hồi xuân cũng như những chất đặc biệt có tác dụng để chữa bệnh. Vì vậy, trong các sách thuốc của Đông y hiện đại không còn thấy đề cập đến “hồng diên” nữa.
Lương Đỗ Quốc Trung, Nhà thuốc Đông y gia truyền Nhân Trung, phố Nguyễn Gia Thiều, Long Biên, Hà Nội cho rằng: “Theo quan niệm dân gian lưu truyền thì từ xưa đến nay, con người vẫn tin tưởng rằng một số loại thức ăn, nước uống lấy từ huyết động vật, côn trùng có khả năng làm tăng ham muốn, kéo dài thú vui chăn gối. Nhiều cuốn sách cổ ngày xưa như Kinh yêu đương (Ấn Độ), Tố nữ kinh (Trung Quốc)… đều dành một số trang viết về kiểu “xuân dược” này. Theo đó, có rất nhiều loài động vật, thực vật trong thiên nhiên có thể dùng để chế tạo ra xuân dược theo nguyên tắc “dĩ nhân bổ nhân” – nghĩa là dùng những thứ lấy từ cơ thể con người để bồi bổ cho con người như “hồng diên”, thu thủy (tinh dịch đàn ông) hay tử hà sa nhau (nhau thaibà đẻ)… “Tiếp mệnh thần đan” cũng được bào chế theo nguyên tắc này.
Cũng theo Lương y Đỗ Quốc Trung, nhựa thông bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm dưới bất kỳ hình thức nào vì rất độc hại, có thể gây ra bệnh nan y đối với người tiêu dùng. Trong khi đó, một số vua triều Minh của Trung Quốc lại nghiễm nhiên coi nó là một trong số nguyên liệu tốt để chế nên “xuân dược” để sử dụng hằng ngày. Trong thành phần nhựa thông có đến 70% là chất colofan- gây độc cho cơ thể người, chúng chỉ được dùng chủ yếu trong công nghiệp chế biến, làm xà phòng, keo trong và chất đốt. Nếu dùng trong chế biến thực phẩm, nhựa thông rất độc hại, có thể gây ra các chứng bệnh nan y đối với người dùng thực phẩm. Trầm hương là một vị thuốc quý trong nhưng đối với người có thể tạng khô gầy hay đang sốt thì sử dụng trầm hương lại có tác dụng ngược lại. Vì vậy, những vị vua sử dụng lâu dài “xuân dược” có những thành phần này thì chuyện chết sớm cũng là điều dễ hiểu.
Nguồn: Theo Nguoiduatin
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.