Nhiều người cho rằng thân hình giống quả trứng của đà điểu khiến chúng có dáng chạy vụng về. Nhưng một nghiên cứu mới tìm thấy hình dáng kỳ quặc của con vật thực ra lại giúp loài chim không biết bay này chuyển động nhịp nhàng trong khi chạy.
Nhà sinh vật học Devin Jindrich tại Đại học bang Arizona, Mỹ, đã phát triển các mô hình toán học để phỏng đoán loài vật này di chuyển thế nào, dựa trên chỉ số cơ thể, tốc độ chạy, vị trí chân và quán tính.
Các nhà khoa học đã huấn luyện cho 8 con đà điểu chạy trên một con đường cao su dài 23 m và trên một chiếc đĩa đo lực chân chạm vào mặt đất. Họ cũng sử dụng 8 camera để ghi lại vị trí chuyển động của cơ thể. Phần mềm sẽ phân tích cử động và vị trí các khớp nối trên cơ thể đà điểu. Các con chim hoặc chạy trên đường thẳng hoặc chạy quanh chướng ngại vật.
Để có thể chuyển hướng thành công, người chạy cần không được xoay mình quá đà. Con người giảm tốc độ để tránh bị quay quá đà, trong khi đó các nhà nghiên cứu tìm thấy đà điểu không mất nhiều nỗ lực để giảm tốc độ khi chúng chuyển hướng.
(Ảnh: Dinofish)
“Dường như đà điểu được tạo hình để có thể chuyển mình dễ dàng”, Jindrich nói.
Theo tính toán của Jindrich, thân hình giống quả trứng và cơ thể nằm ngang của đà điểu có quán tính cao hơn khi chạy so với thân hình thẳng đứng của con người. Điều này khiến đà điểu khó quay mình hơn và không dễ bị quay quá đà như ở con người. Các con chim chuyển hướng chỉ bằng cách xoay mình về hướng mục tiêu.
Jindrich cho rằng kết quả có thể giúp tạo ra các thiết bị giúp bệnh nhân bị tổn thương cột sống có thể đi lại dễ dàng hơn.
M.T.
Theo LiveScience, Vnexpress