Thận trọng với cây Jatropha

Sau khi hăm hở trồng cây Jatropha nhằm phát triển nhiên liệu sinh học, nhiều đơn vị đã thất vọng khi nhận thấy loại cây này không hiệu quả như giới thiệu.

Trong khi đó, theo mục tiêu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) trong giai đoạn 2008-2010 trồng thử nghiệm, khảo nghiệm khoảng 30.000 ha Jatropha, năm 2015 mở rộng khoảng 300.000 ha và năm 2025 đạt tới 500.000 ha. Thế nên, một số nhà khoa học đã cảnh báo, nên thận trọng không mở rộng diện tích trồng và cần có nghiên cứu sâu về loại cây này.

Hiệu quả kinh tế thấp?

Cách đây vài năm, câu chuyện về cây Jatropha với những lời công bố với nhiều tính “ưu việt” trong canh tác và hiệu quả kinh tế đã khiến không ít đơn vị lựa chọn loại cây này để đầu tư. Bộ NN-PTNT cũng đưa vào trong danh mục 3 loại cây trồng chủ lực cần được nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm chế biến năng lượng sinh học.

Hàng loạt các dự án đã được đầu tư cho loại cây này. Tính đến nay, cả nước có hàng chục đơn vị trồng Jatropha ở nhiều vùng sinh thái khác nhau với diện tích lên tới hàng trăm ha.

Thế nhưng, sau một thời gian thử nghiệm trồng loại cây này, ông Nguyễn Hoàng Tuyến, Chủ tịch hội đồng quản trị công ty Hoàng Khang – đơn vị đã 6 năm qua tự bỏ tiền nghiên cứu trồng cây này cho biết: “Lợi trước mắt thu được là tận dụng cây Jatropha trồng trên đất hoang hóa, có thể giúp phủ xanh đất trống, đồi trọc, song nếu trồng với mục đích lấy dầu thì hiệu quả kinh tế rất nhỏ”.

Ông Tuyến lý giải: với cây Jatropha, muốn có hiệu suất cần phải đầu tư, chăm bón, mà như vậy sẽ không có lãi. “Để có 1kg dầu, cần phải có 3kg hạt Jatropha (1kg hạt Jatropha hiện nay có giá là 6.000 đồng). Với giá này chỉ tính riêng tiền nguyên liệu thì sản phẩm đầu ra đã lỗ, chưa kể đến công nghệ chiết tách, phân phối”, ông Tuyến nói.

Khả năng kinh tế của cây Japotra vẫn cần được nghiên cứu thêm. Ảnh: Như Ý.

Cũng tương tự như công ty của ông Tuyến, hơn 4 năm qua ông Mai Quốc Thái, chủ một trang trại tại TP.HCM cũng thử nghiệm trồng cây Jatropha. Cho trồng xen trên 50ha cùng với cây gió bầu để che cỏ, ông Thái tính toán: cứ 3kg hạt Jatropha mới cho 1kg dầu, từ đó mới cho ra dầu diesel bán với giá hơn 10.000 đồng/lít nên 1kg hạt Jatropha chỉ có giá 3.000 đồng. Như vậy là không kinh tế.

“Nếu lựa chọn đây là một cây nguyên liệu cho biodiesel sẽ không hiệu quả”, ông Thái nói. Từ những thử nghiệm trên ông Thái và ông Tuyến đã từ bỏ ý định tiếp tục trồng cây Jatropha.

Không vội mở rộng diện tích

Trước đây, không ít người đã đánh giá cao và mạnh bạo nhận định về năng suất của cây Jatropha khi cho rằng, 1 hecta cây Jatropha cho năng suất 8 – 12 tấn hạt một năm. Thế nhưng, qua đợt thử nghiệm vừa qua, ông Thái cho biết, hiện năng suất hạt của loại cây này chưa cao. “50 ha Jatropha chỉ đủ hạt để cung cấp cho bạn bè trồng nghiên cứu”, ông Thái nói.

Cũng theo công bố của trường đại học Thành Tây (Hà Đông – Hà Nội), 1ha Jatropha của trường trồng mấy năm qua cũng cho năng suất chưa được như mong muốn. Hiện chỉ có 0,8% diện tích đất có cây trên 1.000 quả, còn 99,2% diện tích đất cho cây không có quả hoặc có số quả dưới 1.000 quả/cây. Như vậy, khó có thể cho năng suất 1 tấn/ha chứ chưa nghĩ đến năng suất cao.

Theo tiến sỹ Ngô Thị Lam Giang, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu, Jatropha vẫn là một cây hoang dại, nửa hoang dại, mới chuyển thành cây trồng trong thời gian ngắn. Tài liệu nghiên cứu về cây này còn quá sơ sài, nhất là về khía cạnh kinh tế. Nhiều tư liệu trên sách và báo chí về năng suất, hiệu quả kinh tế của cây này vẫn dựa vào những suy diễn của một số nhà khoa học và doanh nghiệp, chưa đủ độ tin cậy.

Việc sử dụng số liệu năng suất kg/cây nhân với số cây/ha để công bố năng suất hạt/ha năm, dễ gây nên ngộ nhận, vì trong nông nghiệp, không thể sử dụng năng suất cá thể quy ra năng suất quần thể để thuyết phục người sản xuất, nhất là nông dân.

Trước thực trạng nhiều đơn vị, cá nhân vẫn đang đổ xô trồng Jatropha vì cho rằng “cây dễ trồng, phù hợp cả những vùng hoang hoá, hạn hán”, nhiều nhà khoa học cảnh báo. Theo tiến sỹ Trương Vĩnh, đại học Nông Lâm TP HCM, cây Jatropha mọc hoang, dễ sống, cả vùng hạn hán cũng sống là đúng. Nhưng để triển khai trồng lấy dầu thì phải tính tới hiệu quả kinh tế, phải có hướng thâm canh. Không thể trồng lên vùng đất cằn, đất thừa mà đòi hỏi hiệu suất cao.

Còn tiến sỹ Ngô Thị Lam Giang nhận định, việc hàng chục công ty trong và ngoài nước tham gia vào việc phát triển cây dầu nhưng mỗi nơi phát triển độc lập là rất đáng lo ngại khi không có chương trình nghiên cứu đồng bộ. Tiến sỹ Giang cho rằng cần có đường hướng phát triển đồng bộ, đặc biệt chú ý quy hoạch các vùng, quỹ đất trồng và phải tuyển chọn giống tốt. “Không nên vội vàng mở rộng diện tích, cần có những nghiên cứu sâu về loại cây này”, tiến sỹ Giang nói.

Cây cọc rào (Japotra) còn có nguồn gốc từ Ấn Độ, thuộc họ Thầu dầu. Cây có mặt ở Việt Nam từ thế kỷ 14 nhưng người dân chỉ trồng ven hàng rào. Dầu ép ra có thể pha trộn với diesel từ dầu mỏ theo tỷ lệ từ 0,5 – 20% nhằm làm tăng hiệu suất và giảm tác hại của diesel dầu mỏ.

 

Theo Báo Đất Việt