Mới mùng 1/7 (âm lịch), chị Lê Thị Minh (Đội Cấn, Cầu Giấy, Hà Nội) đã mua rất nhiều vàng mã, hình nhân thế mạng và liên hệ với thầy cúng để chuẩn bị cho lễ “xá tội vong nhân” – ngày rằm tháng Bảy.
Chị Minh tâm sự: “Tháng này là tháng cô hồn, cả nhà tôi án binh bất động, không làm ăn gì. Mấy hôm trước, anh con trai đi chơi về, mặt méo xệch, báo cáo bạn gái có thai hai tháng, đòi cưới. Có mà điên mới đi cưới xin vào tháng cô hồn. Hai tháng chứ ba, bốn tháng cũng phải đợi cho qua cái tháng này!”.
Cùng chung tâm lý với chị Minh, nhiều người cứ đến tháng cô hồn là co rúm lại, kiêng cữ đủ thứ. Người nào người nấy chưa chập tối đã vào nhà đóng cửa im thin thít, đi ngủ cũng phải bật điện sáng trưng, ra đường thì khép na khép nép, mua bán, ký kết lại càng không. Dường như, họ nhìn đâu cũng thấy hồn ma bóng quế và đem hết trí tưởng tượng của mình ra để cảnh giác mọi lúc mọi nơi. Việc cúng bái thì nhiều vô số kể. Vàng mã, hình nhân làm không kịp bán. Quả là một tháng chứa đựng bao điều bí ẩn, lạ kỳ.
Hình ảnh quỷ trong quan niệm dân gian. |
Trao đổi với phóng viên, nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Văn Thành cho biết: “Theo quan niệm dân gian của người Việt, tháng Bảy là tháng của ma quỷ. Điều này xuất phát từ quan niệm cho rằng con người bao gồm hai phần linh hồn và thể xác. Khi con người chết đi, linh hồn vẫn tồn tại và được đầu thai sang kiếp khác. Tuy nhiên, có nhiều người chết đi nhưng linh hồn không được siêu thoát, bị đầy xuống địa ngục, làm quỷ đói quấy nhiễu dương gian”.
Theo đó, người Việt quan niệm rằng, trong tháng Bảy, Diêm Vương sẽ cho mở cổng địa ngục để ma quỷ được trở về dương gian. Đặc biệt, cửa Quỷ Môn Quan sẽ được mở hoàn toàn trong ngày rằm tháng Bảy để tất cả ma quỷ đều được tự do đi lại. Đây chính là ngày “âm khí xung thiên” hay còn gọi là ngày “xá tội vong nhân”. Tuy nhiên, những tù nhân trong Quỷ Môn Quan sẽ chỉ được cấp “giấy thông hành” tự do đi lại chốn dương gian đến 12 giờ đêm ngày 14/7. Sau thời điểm này, tất cả sẽ phải trở lại địa ngục và cửa Quỷ Môn Quan sẽ được đóng lại.
Đó là lý do, trong ngày “xá tội vong nhân”, người ta thường làm lễ cúng chúng sinh và phóng sinh để cầu bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ phá phách.
“Lễ cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống của người Việt, được lưu truyền trong dân gian từ nhiều đời nay. Lễ cúng to hay nhỏ, sớm hay muộn là tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình, từng vùng miền chứ không ấn định cụ thể” – ông Thành cho biết.
Theo nhà nghiên cứu này, ở Việt Nam, rằm tháng Bảy với nhiều người được coi là ngày xá tội vong nhân, còn với không ít người khác lại mang ý nghĩa là lễ Vu Lan báo hiếu. Không ít người hay nhầm lẫn hai quan niệm này với nhau do cùng là rằm tháng Bảy, tuy nhiên đây lại là hai nghi lễ mang ý nghĩa khác nhau.
Quỷ đói trong trí tưởng tượng của nhiều người. (Ảnh minh họa) |
Do quan niệm tháng Bảy là tháng cô hồn, tháng của ma quỷ cho nên hầu hết mọi người đều tránh không tiến hành các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa… đặc biệt là những việc đại sự vì sợ bị ma quỷ quấy nhiễu, ám ảnh, không được may mắn.
Cúng cô hồn là tín ngưỡng của người Việt từ xưa đến nay nhưng nhà nghiên cứu Bùi Văn Thành cho rằng, việc người dân đua nhau sắm lễ thật to, đốt thật nhiều vàng mã, tế lễ linh đình đang làm mất đi nét đẹp văn hóa vốn có của phong tục này.
“Biết là có thờ có thiêng, có kiêng có lành nhưng tôi thấy nhiều người kiêng kỵ quá nhiều, quá kỹ, nhiều cái kiêng hết sức mê tín, dở hơi hoàn toàn không cần thiết. Việc cúng lễ cũng vô tội vạ, không đâu vào đâu chỉ tổ tạo điều kiện cho những kẻ lợi dụng tín ngưỡng văn hóa để tuyên truyền mê tín dị đoan và trục lợi. Nhiều người không kiêng nhưng chẳng làm sao. Nhiều người kiêng đủ thứ vẫn xui xẻo như thường” – ông Thành chia sẻ.
Những lễ hội trong tháng cô hồn ở các nước Á đông
Không chỉ ở Việt Nam, Trung Quốc mà các quốc gia khác như Đài Loan, Singapore, Nhật Bản, … đều có những lễ hội cúng cô hồn đặc biệt. |
Nguồn: Theo Kiến Thức/Theo Khỏe & Đẹp
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.