Thành phố “nạp điện” bằng chất thải hữu cơ

Thành phố

Dựa vào chất thải thực phẩm, phân hữu cơ và dầu ăn, một thành phố ở Thụy Điển đã cắt giảm đáng kể mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch, theo The New York Times.

Kristianstad và khu vực xung quanh, với số dân khoảng 80.000 người, không sử dụng dầu, khí đốt thiên nhiên hoặc than đá để sưởi ấm các gia đình và doanh nghiệp, ngay cả trong những mùa đông dài.


Một ngôi nhà “xanh” tại thành phố Kristianstad. (Ảnh internet)

Điều này khác hoàn toàn so với 20 năm trước đây, khi toàn bộ việc sưởi ấm dựa vào các loại nhiên liệu hóa thạch.

Khu vực miền nam Thụy Điển này, được biết đến như quê hương của loại vodka Absolut, không thay thế các loại nhiên liệu truyền thống mà họ từ bỏ bằng những tấm pin mặt trời hoặc turbine gió.

Thay vào đó, với hoạt động chính là trồng trọt và chế biến thực phẩm, khu vực này sản xuất năng lượng từ các loại nguyên liệu như vỏ khoai tây, phân bón hữu cơ, dầu ăn đã qua sử dụng, bánh quy ôi thiu và ruột heo…

Một nhà máy ở ngoại ô Kristianstad sử dụng một quy trình sinh học để biến những phế liệu nói trên thành khí biogas, một dạng methane. Khí đó được đốt để sưởi ấm và sản xuất điện, hoặc được tái chế thành nhiên liệu dùng cho xe hơi.

Thành phố này cũng đốt khí phát ra từ một bãi rác cũ và những hồ chứa chất thải, cũng như những mảnh vụn từ các xưởng mộc và những nhánh cây bị xén tỉa.

Giới chức Kristianstad cho biết mức khí thải carbon dioxide của thành phố đã giảm ¼ trong một thập niên qua.

Chính quyền sở tại hy vọng vào năm 2020, tổng lượng khí thải sẽ thấp hơn 40% so với thời điểm 1990, và việc điều hành thành phố sẽ không cần nhiên liệu hóa thạch và không sản sinh khí thải.

Trong 5 năm qua, nhiều nước châu Âu đã tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo từ các trạm phong năng và đập thủy điện, do các loại nhiên liệu hóa thạch đã trở nên đắt đỏ và việc sử dụng quá mức loại nhiên liệu này bị đánh thuế theo hệ thống giao dịch khí thải của Liên minh châu Âu.

 

Theo Thanh Niên