Nông dân châu Âu thường có thói quen cày xới đất sau khi thu hoạch để diệt cỏ và làm cho đất tơi xốp mỗi khi bắt đầu gieo trồng vụ mùa mới.
Tuy nhiên, một nhóm các nhà khoa học Thụy Sỹ và Pháp mới đây cho rằng thay đổi cách thức canh tác truyền thống này có thể giúp nền nhiệt trung bình của Lục địa già giảm 2 độ C.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ số ra ngày 23/6, các nhà khoa học cho biết những thửa đất không được cày bừa có màu nhạt hơn, thoát hơi ẩm chậm và hấp thụ ánh nắng mặt trời ít hơn so với những thửa đất được cày xới.
Do đó, nền nhiệt tại các khu vực đất nông nghiệp không được cày cuốc thường thấp hơn so với những nơi khác. Nghiên cứu nêu rõ hiện tượng này có thể nhận thấy rõ rệt trong thời điểm nắng nóng.
Kết luận của nhà khoa học đã nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận. Những người ủng hộ cho biết việc thay đổi thói quen canh tác này còn mang lại nhiều lợi ích khác như tiết kiệm nước, ngăn chặn nguy cơ xói mòn đất và thậm chí là ngăn chặn tình trạng nóng lên toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều người phản đối rằng thay đổi thói quen canh tác theo hướng không cày xới sẽ làm gia tăng việc sử dụng các loại hóa chất như thuốc diệt cỏ…
Hiện nay Mỹ và nhiều nước khu vực Nam Mỹ đã áp dụng kỹ thuật canh tác này và có thể đạt năng suất cao gấp 3 lần so với phương thức truyền thống.
Tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp tại đây chiếm hơn 85% diện tích đất nông nghiệp không được cày xới trên thế giới, trong khi tại châu Âu tỷ lệ này chỉ là 2%.
Trong báo cáo công bố cách đây 4 năm, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết, kỹ thuật canh tác không cày xới có thể giúp giảm một lượng lớn khí thải carbon gây hiệu ứng nhà kính, được cho là thủ phạm chính gây ra tình trạng Trái Đất nóng lên.
Theo TTXVN/Vietnam+