Thì thầm lời nói muộn: “Con nhớ Mẹ”

0
129


Chân dung Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ

Thì thầm lời nói muộn: “Con nhớ Mẹ”

Mình và Mẹ bị khắc khẩu. Ngày xưa, nhà có ba người, Bố luôn là trọng tài của hai mẹ con. Sau này Bố mất, không còn người phân xử, mức độ khắc khẩu giảm sút hoàn toàn và thay vào đó là “sự im lặng đáng sợ”.

Khoảng 10 năm trở lại đây, tức là 8 năm còn sống và 2 năm sau khi Mẹ đi, lúc nào mình cũng tự trách bản thân tại sao lại sai lầm, ngu ngốc đến thế khi đã mất quá nhiều thời gian giận Mẹ vì những chuyện không đâu như: Quan điểm ứng xử với loại người có tính chọc dao vào lưng trong khi Mẹ cưu mang giúp đỡ, hại Mẹ để thăng quan tiến chức, có khi đột nhiên đố kỵ khó chịu…Mẹ không quan tâm và nhiệt tình giúp nếu người đó vẫn nhờ vả.


Có thời gian mình im lặng với Mẹ hai tháng (ảnh minh họa)

Có thời gian mình im lặng với Mẹ hai tháng. Đấy là lần giận lâu nhất khi đột nhiên Mẹ ngất, phải vác đi cấp cứu. Vào viện, bác sĩ bảo: “mẹ cháu uống thuốc ta, hủy hết hồng cầu, may mà kịp, chậm 2 tiếng là đi”. Mình và bác ruột Nguyễn Đỗ Phú điên loạn chạy mua máu và đưa Mẹ vào phòng hồi sức, thở ôxi, truyền máu và cứu kịp. Sống lại, Mẹ tỉnh bơ: “Con giữ cho mẹ tất cả những vỏ bịch máu và tên người bán máu, máu của họ đã chảy lẫn và cứu sống mẹ, mẹ nhớ ơn họ”

Mình và bác Phú chỉ mong Mẹ tỉnh để hỏi cái lão bán thuốc bắc (mẹ tha về 10 thang, uống đến thang thứ 4 thì ngất vì không ai can được chuyện mua thuốc của lang băm ngoài chợ) tên gì, nhà ở đâu? Mẹ cương quyết không “khai”! Mình van xin: Con hứa không kiện, chỉ là ngăn chặn không cho ông ấy giết người thêm thôi. Bác Phú quát lên: “Cô suýt chết đấy. Không cấp cứu kịp thì giờ này nằm dưới ba tấc đất rồi, nói mau!” Mẹ kiên trung im lặng! Bác Phú đùng đùng đi về: “Đã thế thì tôi mặc xác cô, sau cô có làm sao tôi không đến đâu!” Mẹ vẫn thong dong nằm ngắm cây xanh ngoài khuôn cửa phòng cấp cứu, như kiểu tận hưởng một đời sống mới sau cái chết. Còn bác Phú ra đến cửa, cười hạnh phúc thì thầm: “mẹ cháu thoát chết rồi, bác về thay quần áo, lát bác vào”.


Chưa một lần tôi nói: “con yêu m
ẹ” trong khi ba chữ đấy dễ hơn ngàn lần những việc mình đã làm cho mẹ? 

Từ ngày bố mất, có việc gì quan trọng là mình cầu cứu bác Phú. Một lần, giặt áo khoác cho Mẹ, phát hiện hai túi đầy thuốc, trong khi lần nào đưa thuốc, mình cũng đợi mẹ uống xong mới quay đi. Đúng dịp đấy thấy mẹ yếu hơn, hoá ra bỏ thuốc. Lại mách bác Phú. Bác đến, sau hai tiếng ngồi anh cả thủ thỉ phân tích với em gái về tác hại của việc bỏ thuốc, rồi cô có thương con Huệ không, cô có biết là mua thuốc này rất khó không, cô phải khoẻ để đi miền Nam về quê chú Chánh, rồi đợi Duy, Tý lấy vợ bế cháu cho nó…

Mẹ nghiêm túc chăm chú nghe, sau chốt hạ một câu: “Anh không phải là em, anh không hiểu, em ghét thuốc!” Bác lại hỏi: “Huệ khẳng định là thấy cô uống, sao lại có thuốc trong túi áo” Mẹ cười hóm hỉnh, mặt đầy chiến tích pha màu hình sự “Huệ đưa thuốc, em cho xuống dứoi lưỡi, uống nước thôi. Đợi Huệ quay đi, em nhổ ra!” Bác Phú bật cười, ôm lấy mẹ: “Có bệnh phải uống thuốc.Thương lấy mình mới thương được con cháu”. Ra đến cửa, bác Phú vỗ vai mình “cháu cố gắng, người ốm cũng không sung sướng gì”.

Nói chung là hai mẹ con hay giận nhau, và thường viết thư thay đối thoại kiểu: “Mẹ đi Hải phòng 3 ngày, Huệ để ý mấy con mèo”, “Mẹ đã nhờ mua quạt cây, ai mang đến Huệ nhận” và mình cũng hay nhắn Mẹ qua những tờ giấy để ngay ngắn ở bàn ăn “con đi Thái Bình dự hội diễn Sân khấu, 4 ngày về”.. .Có thời gian giận cũng lâu vì mẹ chiều Hoàng Duy, thấy mưa lạnh vờ cho cháu đi học cửa tầng 2 (để mình thấy) và kéo Duy quay lại nhà bằng cửa tầng 3 vào ngủ tiếp, còn mình bị cô giáo chủ nhiệm mắng là mẹ Duy quan liêu, cứ khẳng định sáng nay cháu đi học trước mặt tôi, sao cô nói cháu nghỉ? Vụ việc vỡ lở, Mẹ ái ngại liếc trộm xem mình có phạt Duy không, đẩy ra một tờ giấy “Huệ. Khi nào bằng tuổi mẹ, con sẽ hiểu”.

Giờ thì mỗi ngày mình một hiểu và thấy mẹ đúng. Mỗi ngày một tiếc là tại sao ngày xưa mình và Mẹ có những khoảng trống do giận nhau bởi những chuyện đâu đâu, để rồi ở với mẹ 47 năm vẫn còn nhiều điều mẹ mang đi mất mà mình chưa kịp hỏi. Sao bao đêm khi mình chưa đến 20 tuổi ngồi đợi Mẹ viết xong trang nào là đánh máy trang đấy bằng chiếc máy chữ cơ thời chưa có máy tính, rồi chạy khắp các viện lo thuốc chữa bệnh… nhưng chưa một lần nói: “con yêu mẹ”,  trong khi ba chữ đấy dễ hơn ngàn lần những việc mình đã làm cho mẹ?

Viết về Mẹ không bao giờ đủ. Mỗi lần đi công tác, mình thường chọn sách mang theo. Lần này là hai tiểu thuyết – một trong những bản thảo mẹ viết tay còn mình gõ máy chữ. Đọc cả chục lần, nhưng ngày mẹ sống, mình coi đấy là tác phẩm văn học. Giờ với mình, đấy là những cuốn nhật ký bằng văn của riêng Mẹ với mình. Gia tài Mẹ để lại cho mình với những dấu ấn của những phần đời của Mẹ: Huệ, Người hậu phương, Đất làng, Buổi sáng, Hạt mùa sau…và hàng trăm truyện ngắn. 
Đang ở một nơi rất xa Hà nội, mình tìm lại ngày tháng của mẹ thời gian sống bên Nga qua “Giã từ mùa đông” và thì thầm lời nói muộn: “Con nhớ Mẹ”

Tác giả: Nhà văn Nguyễn thị Thu Huệ

Nguồn: Theo phununews

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.