Ngày 14-7, một thiên thạch đôi có kích thước đáng kể đã tiến gần Trái đất. Tuy không va chạm với hành tinh của chúng ta, nhưng các nhà khoa học cảnh báo điều đó cho thấy Trái đất đang đứng trước những nguy cơ đến từ vũ trụ.
Trang web Space.com cho biết thiên thạch đôi, bao gồm hai thiên thạch nhỏ có đường kính 600m và 200m, tên gọi 2008 BT18, bay cách Trái đất ở khoảng cách gần nhất là 2 triệu km, bằng sáu lần khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trăng. Chương trình nghiên cứu thiên thạch gần Trái đất Lincoln (LINEAR) của Cơ quan Hàng không – vũ trụ Mỹ (NASA) và Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát hiện thiên thạch đôi từ tháng 1-2008.
Dù lần này 2008 BT18 không gây nguy hiểm, nhưng NASA hiện vẫn đánh giá 2008 BT18 có khả năng gây thảm họa do giới khoa học chưa xác định được quĩ đạo bay của nó trong tương lai. Các nhà khoa học NASA nhận định đây cũng là cơ hội để giới thiên văn nghiên cứu thêm về thiên thạch đôi, bởi rất có thể một ngày nào đó sẽ có một thiên thạch đôi bay về phía Trái đất. NASA cho biết làm chệch quĩ đạo thiên thạch đôi là nhiệm vụ khó khăn hơn rất nhiều so với việc đối phó một thiên thạch đơn. Theo Space.com, khoảng 15% trong tổng số thiên thạch gần Trái đất là thiên thạch đôi.
Chuyện thiên thạch thay đổi quĩ đạo vốn không phải hiếm. Vào năm 2029, một thiên thạch mang tên Apophis sẽ đến rất gần Trái đất và thay đổi quĩ đạo một cách đáng kể do lực hút của Trái đất. Có khả năng nó sẽ đâm vào hành tinh của chúng ta.
Hình minh họa một thiên thạch đôi (Ảnh: astronomy.com) |
HIẾU TRUNG – Tuổi trẻ online (Theo Space.com)