Tảng thiên thạch 11.000 tấn nổ trên bầu trời Nga hồi tháng hai đã để lại một lớp bụi nặng hàng trăm tấn trong bầu khí quyển trái đất. Lớp bụi này đã di chuyển khắp hành tinh chỉ trong bốn ngày.
Thiên thạch nổ trên bầu trời thành phố Nga Chelyabinsk đã làm hơn 1.200 người bị thương hồi tháng hai. Cửa sổ hơn 900 trường học và bệnh viện bị vỡ, khoảng 100.000 tòa nhà bị hư hại.
Theo trang Space.com, nghiên cứu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy nó để lại trên bầu khí quyển lớp bụi nặng hàng trăm tấn, lơ lửng trong ít nhất ba tháng trước khi tan đi.
Chuyên gia NASA Nick Gorkavyi và các đồng nghiệp theo dõi lớp bụi này chỉ bốn giờ sau vụ nổ thiên thạch ở Nga. Họ phát hiện nó lơ lửng ở độ cao 40km và di chuyển về hướng đông với tốc độ hơn 300km/h.
Sau một ngày, những hạt bụi nặng đã rơi xuống mặt đất, tuy nhiên những hạt nhẹ hơn vẫn tiếp tục di chuyển về hướng đông với tốc độ gia tăng. Và chỉ sau bốn ngày, lớp bụi này đã đi chu du một vòng quanh trái đất và quay trở lại đúng thành phố Chelyabinsk. Ba tháng sau, lớp bụi vẫn còn tồn tại và lơ lửng trong bầu khí quyển.
Các chuyên gia NASA cho biết dù tích tụ lại nhưng lớp bụi này không gây ra ảnh hưởng môi trường nào đối với trái đất. Ước tính mỗi ngày có 30 tấn bụi từ vũ trụ rơi vào trái đất. Núi lửa và các hiện tượng tự nhiên khác cũng phun nhiều bụi vào bầu khí quyển.
Tuy nhiên, các chuyên gia NASA khẳng định quan sát này rất hữu ích. “Thiên thạch Chelyabinsk nhỏ hơn nhiều so với thiên thạch đã hủy diệt loài khủng long 65 triệu năm trước đây. Với thiên thạch này, chúng tôi đã có cơ hội tuyệt vời để nghiên cứu một hiện tượng vô cùng nguy hiểm” – chuyên gia Gorkavyi cho biết.
Theo Tuổi Trẻ