Ngày 6/11, các nhà nghiên cứu Cộng hòa Czech và Canada cho biết thiên thạch rơi xuống tỉnh Chelyabin, miền Trung nước Nga hồi giữa tháng Hai vừa qua to, nặng hơn ước tính ban đầu.
Thiên thạch này mang nguồn năng lượng tương đương hàng chục quả bom nguyên tử thuộc loại Mỹ đã sử dụng để ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Phân tích những hình ảnh nghe, nhìn và mảnh vỡ, các nhà khoa học cho biết thiên thạch nói trên lúc đầu dài 19m, có thể từng là một phần của vật thể vũ trụ khổng lồ dài 2km mang tên 86039 được phát hiện lần đầu tiên năm 1999 và thường tiến gần Trái Đất.
Nhiều ngôi nhà bị phá hủy sau trận mưa thiên thạch ở Chelyabin. (Nguồn: THX/TTXVN)
Theo một bài viết đăng trên tạp chí Tự nhiên của Anh, khi lao vào bầu khí quyển Trái Đất, thiên thạch có trọng lượng 12.000 tấn, đồng nghĩa chứa nguồn năng lượng tương đương 500.000 tấn TNT, mạnh gấp từ 27-41 lần lượng chất nổ trong quả bom đầu tiên do Mỹ sử dụng ở Hiroshima năm 1945.
Ước tính ban đầu cho biết thiên thạch này dài 17m và nặng 10.000 tấn, với nguồn năng lượng có sức công phá tương đương 20 quả bom nguyên tử.
Cũng theo bài viết trên, thiên thạch rơi xuống Chelyabin đã vỡ thành nhiều mảnh nhỏ khi còn cách Trái Đất từ 30-45km, nếu không nó còn gây ảnh hưởng nặng nề hơn khi “tiếp đất.” Tổng khối lượng các mảnh vỡ nặng trên 100 gam thấp hơn ước tính ban đầu.
Vụ nổ thiên thạch trên gây ảnh hưởng đến 5 vùng của Nga, làm hư hại nhiều tòa nhà và khiến khoảng 1.200 người bị thương.
Theo TTXVN/Vietnam+