Thiết bị cầm tay giúp “nhìn” xuyên tường

Thiết bị cầm tay giúp

Các kỹ sư của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ đã tạo ra nguyên mẫu của một thiết bị cầm tay cho phép người dùng có thể đứng ở một bên và theo dõi bất cứ thứ gì chuyển động ở phía bên kia bức tường.

Thiết bị độc đáo có tên Wi-Vi này sẽ cho người dùng thấy bất cứ một người hay một vật nào đó di chuyển lại gần hay tiến ra xa bức tường. Theo các kỹ sư chế tạo ra Wi-Vi, nó có thể “bắt” được những chuyển động rất nhỏ.

Các tác giả của thiết bị cho hay, Wi-Vi hoạt động bằng cách phát ra các tín hiệu Wi-Fi vào một bức tường. Một phần các tín hiệu này sẽ xuyên qua bức tường, phản chiếu vào người ở bên kia bức tường sau đó quay trở lại thiết bị. Wi-Vi sẽ phát ra hai tín hiệu nghịch đảo với nhau.

Nếu cả hai tín hiệu này va vào một vật đứng yên, chẳng hạn như đồ vật hay bản thân bức tường, chúng sẽ triệt tiêu lẫn nhau. Tuy nhiên, nếu chúng “va” vào các chủ thể chuyển động, tình trạng triệt tiêu sẽ không xảy ra và các chuyển động sẽ được thể hiện trên màn hình của thiết bị Wi-Vi.

Khi Wi-Vi phát hiện một đối tượng chuyển động, nó sẽ dễ dàng bám theo người này và bỏ qua tất cả những thứ khác đứng yên xung quanh anh ta. Các tác giả cũng khẳng định, thiết bị của họ có thể “theo dõi” nhiều hơn một người tại cùng một thời điểm. Trong thí nghiệm trình diễn, các tác giả cho thấy Wi-Vi có thể bám sát chuyển động của 3 người.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những thiết bị như Wi-Vi có thể giúp các nhân viên cảnh sát và nhân viên cứu hộ tìm thấy những người đang lẩn trốn hoặc những người bị mắc kẹt trong các đống đổ nát. Do bắt được các chuyển động, Wi-Vi cũng có thể được tích hợp vào hệ thống điều khiển đèn điện hoặc các thiết bị khác trong nhà với các thao tác chuyển động của cánh tay.

Các tác giả cho biết, họ sẽ trình bày sáng chế của mình tại một hội nghị được tổ chức bởi Hiệp hội Máy tính Mỹ. “Chúng tôi muốn tạo ra một thiết bị có công suất thấp, di động và đơn giản để tất cả mọi người có thể sử dụng được”, Dina Katabi, người đứng đầu nhóm tác giả chế tạo Wi-Vi cho hay.

 

Theo Vietnamnet, Popsci