Thiết bị cảnh báo sớm phóng xạ

Thiết bị cảnh báo sớm phóng xạ

Lần đầu tiên, các nhà nghiên cứu thuộc Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân chế tạo thành công thiết bị cảnh báo sớm phóng xạ với độ nhạy cao, nhanh chóng phát hiện phóng xạ và có cách ứng phó kịp thời.

Thiết bị này hoạt động như một trạm quan trắc cảnh báo bức xạ nhưng có độ nhạy cao bằng việc sử dụng detector (đầu dò) nhấp nháy và có khả năng truyền tải thông tin một cách nhanh chóng về trung tâm quản lý, điều hành.

Thiết bị cảnh báo sớm phóng xạ
Tiến sĩ Đặng Quang Thiệu và thiết bị cảnh báo sớm bức xạ. (Ảnh: Hương Thu)

Theo đánh giá của các nhà khoa học, nhiều cơ sở hạt nhân đã đạt nhiều thành công trong cảnh báo phóng xạ nhưng đều nhập từ nước ngoài với giá thành cao và chưa phù hợp với điều kiện hoàn cảnh Việt Nam. Do đó, các nhà khoa học thuộc Viện khoa học và kỹ thuật hạt nhân đã tạo ra thiết bị trên lần đầu tiên ở Việt Nam và cho kết quả nhất định.

Theo tiến sĩ Đặng Quang Thiệu, chủ nhiệm đề tài, với thiết bị quan trắc và cảnh báo sớm phóng xạ, những thay đổi hay diễn biến bất thường về phóng xạ sẽ nhanh chóng phát hiện và truyền về trung tâm điều hành và người dân để kịp thời ứng phó.

Nhóm nghiên cứu cho biết, khi xuất hiện phóng xạ ở Ninh Thuận, thiết bị có thể truyền dữ liệu nhanh chóng tới Hà Nội thông qua mạng internet để nhà quản lý đưa ra quyết sách kịp thời. Hay nếu phóng xạ từ Trung Quốc, thiết bị của nhóm có thể ghi lại nồng độ phóng xạ, đồng thời dựa vào hướng gió để dự báo hướng di chuyển của phóng xạ.

“So với các thiết bị cảnh báo trước đây, thiết bị do nhóm nghiên cứu chế tạo có nhiều ưu điểm. Thiết bị có chức năng nhận diện được một số đồng vị đơn giản và ghép mạng internet, tạo ra mạng lưới quan trắc cảnh báo rộng lớn”, tiến sĩ Thiệu nói.

“Thiết bị cảnh báo sớm phóng xạ cũng được thử nghiệm và cho thấy sai số và chỉ tiêu chất lượng tương đương với thiết bị đối chứng của Đức hay công nghệ từ nước ngoài đưa vào”, tiến sĩ Thiệu nói thêm.

Thiết bị cảnh báo sớm phóng xạ
Sơ đồ lắp đặt hệ thống thiết bị cảnh báo sớm bức xạ tại nhà máy điện hạt nhân
(khoang hình vuông đỏ). Ảnh do tiến sĩ Đặng Quang Thiệu cung cấp.

Thiết bị sẽ được đặt nằm trong mạng lưới quan trắc quốc gia hoặc các trạm cảnh báo an toàn xung quanh nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng, cơ sở xử lý nhiên liệu hạt nhân.

Đề tài trên được Bộ khoa học và Công nghệ đánh giá cao và có tính ứng dụng thực tiễn tốt trong điều kiện các nước trên thế giới đang phát triển công nghệ hạt nhân và Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

 

Theo Vnexpress