Ba đèn laser, vài thước đo độ học sinh, Nguyễn Văn Hà Uy chế tạo thành công máy đo đa năng, dùng để đo các đại lượng cao, dài và rộng của một vật thể bất kỳ trong tầm 200m.
Hiện Uy là học sinh lớp 12 trường chuyên THPT Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng.
Máy đo đa năng do Uy chế tạo không chỉ là thiết bị thực hành môn Toán mà còn thể được ứng dụng nhiều trong đời sống. Thiết bị này vừa đạt giải nhì cuộc thi Sáng tạo Thanh – Thiếu niên toàn quốc 2009.
Thiết bị đo đa năng
Hiện nay, có rất nhiều thiết bị laser dùng để đo đạc nhưng phần lớn các sản phẩm này chỉ đo được một giá trị nhất định (chiều cao hoặc khoảng cách…). Một số thiết bị nhiều chức năng thì có cấu tạo phức tạp, ứng dụng nhiều công nghệ mới, giá thành khá cao.
Từ thực tế đó, Uy quyết tâm chế tạo một thiết bị mới có khả năng giải quyết được các vấn đề nói trên. Thiết bị của Uy có khả đo khoảng cách hai điểm xác định bất kì trong không gian. Từ đó, ta tính thêm được nhiều đại lượng khác như chu vi, diện tích, thể tích… Hơn nữa, thiết bị này có cấu tạo đơn giản, giá thành tương đối rẻ.
Giờ học tại nhà của Uy.
Thiết bị gồm một giá đỡ ba chân có thể thay đổi chiều dài để phù hợp với nhiều loại địa hình, thước đo độ học sinh có gắn kèm ba đèn laser, nguồn điện, ống nhòm. Nếu sử dụng loại đèn laser tốt thì khoảng cách đo được của thiết bị sẽ xa hơn phạm vi 200m.
Nguyên lý hoạt động của thiết bị khá đơn giản. Người sử dụng chỉ cần di chuyển các đèn laser sao cho điểm sáng phát ra từ mỗi đèn đến đúng các điểm cần đo. Với khoảng cách lớn, người dùng sẽ dùng ống nhòm để hướng điểm sáng laser vào đúng vật cần đo.
Khi các đèn laser di chuyển và chiếu đúng điểm cần đo, thước đo độ di chuyển theo và đưa ra các dữ liệu tương ứng. Sau đó, bằng vài phép tính đơn giản là có được kết quả khoảng cách.
Ngay sau khi hoàn thành, Uy đã biểu diễn cho các bạn cùng lớp và thầy cô ở trường xem về thiết bị của mình. Thầy cô, bạn bè của em rất ngạc nhiên vì chỉ với vài thao tác đơn giản, em có thể đo được chiều cao hay thể tích của một tòa nhà.
Chế tạo để giờ học bớt nhàm chán
Uy kể, lý do chế tạo thiết bị đo trên vì cậu muốn có thêm nhiều thiết bị học tập sinh động. Bởi theo cậu học sinh chuyên Toán này, thực hành là khâu yếu nhất của học sinh Việt Nam. “Tại nhiều trường, thiết bị thực hành rất ít, các bài thực hành nhàm chán. Theo em đó là lý do vì sao học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế, song lại kém về thực hành ”, Uy nói.
Do đó, một trong những mong muốn đặc biệt của Uy khi chế tạo thiết bị này là muốn nó gây hứng thú cho học sinh trong mỗi bài thực hành Toán học nhờ tính đa năng và khả năng ứng dụng linh hoạt.
Thiết bị hoạt động dựa trên việc ứng dụng các định lí toán học từ lớp 8 đến lớp 12 nên có thể được áp dụng rộng rãi trong các trường THCS và THPT để làm thiết bị thực hành.
Cậu học sinh chuyên Toán này cũng hy vọng, với khả năng ứng dụng rất linh hoạt, thiết bị này sẽ được áp dụng rộng rãi trong đời sống, chứ không chỉ dừng lại là một thiết bị dùng trong thực hành học tập đơn thuần.
Theo Báo Đất Việt