Thiết bị kiểm tra chức năng gan bé bằng con tem

Thiết bị kiểm tra chức năng gan bé bằng con tem

Nghiên cứu này được công bố trên tờ tạp chí Science Translational Medicine hồi Tháng 9 vừa qua.

Thiết bị kiểm tra chức năng gan bé bằng con tem
Chỉ mất 15 phút để kiểm tra chức năng gan bằng thiết bị này.

Điều trị lao phổi bằng thuốc rifampicin và pyrazinamide có thể hại gan, nhất là đối với những ai bị cả viêm gan B và C là những bệnh rất phổ biến ở Châu Á. Tương tự, thuốc có gốc nevirapine dùng cho bệnh nhân HIV cũng rất hại cho gan. Trong khi các bác sĩ ở Mỹ thường xuyên kiểm tra mức độ của các chỉ số hóa học trong máu để xác định bệnh nhân có bị tổn thương gan do thuốc hay không mà điều chỉnh thuốc cho thích hợp thì các bác sĩ ở những nước đang phát triển ít có điều kiện để kiểm tra điều này.

Hiện tại, các nhà khoa học đang phát triển và thử nghiệm một thiết bị bằng giấy có kích cỡ bằng con tem với những rãnh và khoang có thể tách và lọc máu lấy từ ngón tay để tìm ra các chỉ số hóa học.

Việc kiểm tra các mẫu máu bằng thiết bị này cho ra kết quả có độ chính xác khoảng 90% so với tiêu chuẩn vàng là 100%. Chỉ mất 15 phút để thiết bị đổi màu và có thể cho biết chỉ số của gan ở mức bình thường hay cao. Chi phí ước tính cho mỗi lần kiểm tra chỉ khoảng 10 cent, so với chi phí hàng ngàn đô la của các thiết bị hiện có. Jason Rolland, giám đốc nghiên cứu của tổ chức Diagnostics For All, tổ chức đã phát triển công nghệ này nói rằng, thiết bị kiểm tra này rẻ, dễ sử dụng, dễ mang theo, không cần nguồn điện hoặc các thiết bị kèm theo khác. Do đó nó rất phù hợp với các bệnh viện tuyến huyện.

Thông thường ở các vùng nông thôn, để kiểm tra chức năng gan của bệnh nhân, bệnh viện phải gửi mẫu máu về các bệnh viện tuyến trên nên dễ bị thất lạc. Thiết bị này góp phần giải quyết triệt để vấn đề này.

Nira Pollock, phó Giáo sư Y khoa của trường Đại học Y Harvard ở Mỹ sắp xếp một cuộc thử nghiệm và đang liên hệ với Bệnh viện Nhiệt đới Việt Nam để tiến hành thử nghiệm thiết bị này trên bệnh nhân bị nhiễm HIV. Nếu thử nghiệm thành công, các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ đưa sản phẩm ra thị trường vào năm 2014.

 

Theo Báo Đất Việt