Đây là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu chế tạo thiết bị pha dịch lọc tự động dùng cho máy chạy thận nhân tạo”. Sản phẩm do tiến sỹ Vũ Duy Hải, trường Đại học Bách khoa Hà Nội làm chủ nhiệm được thực hiện từ tháng 1- 12/2012.
Chi phí thấp, hiệu quả cao
Theo số liệu từ Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 10.000 bệnh nhân thường xuyên phải điều trị suy thận bằng phương pháp chạy thận nhân tạo với tần suất điều trị trung bình 3lần/tuần (tương đương 30.000 ca/tuần). Trong mỗi ca điều trị, bình quân mỗi người bệnh phải sử dụng khoảng 10 lít dịch lọc.
Vì thế, mỗi tuần các cơ sở y tế phải sử dụng khoảng 300.000 lít dịch lọc khác nhau. Hiện nay, hầu hết lượng dịch lọc này đều phải nhập ngoại dưới dạng pha sẵn với giá trung bình 15.000 đồng/lít.
Do vậy, tổng kinh phí chi cho việc nhập khẩu dịch lọc mỗi tuần vào khoảng 4.5 tỷ đồng (nếu nhập bột dịch và tiến hành pha dịch tại chỗ cũng tốn 10.000đồng/lít). Trước tình hình trên, một số cơ sở y tế trong nước đã thực hiện việc pha dịch tại chỗ bằng phương pháp thủ công để giảm chi phí vì chưa có các thiết bị tự động pha dịch.
TS. Hải cho biết, nếu sử dụng thiết bị pha dịch lọc tự động của đề tài có thể tiết kiệm được 5.000đồng/lít. Như thế mỗi năm ngành Y tế có thể tiết kiệm khoảng 700 tỷ đồng cho việc nhập dịch lọc.
“Hiện tại hầu như chưa có cơ sở nào sản xuất thiết bị pha dịch lọc tự động tại thị trường trong nước, trong khi việc nhập khẩu các thiết bị vừa đắt tiền lại không phù hợp nên chưa được ứng dụng nhiều. Bởi vậy sản phẩm của đề tài sẽ khắc phục những nhược điểm trên nên rất phù hợp với điều kiện của Việt Nam“, chủ nhiệm đề tài cho biết.
Thay thế thiết bị nhập ngoại
TS Hải cho biết, việc chế tạo thành công thiết bị pha dịch lọc tự động công suất lớn có thể cung cấp trực tiếp đồng thời cho nhiều hệ thống chạy thận nhân tạo với nhiều chế độ pha khác nhau, phù hợp với nhiều hệ thống chạy thận đang sử dụng tại các cơ sở y tế.
Được biết, việc nghiên cứu chế tạo, triển khai và thử nghiệm thành công thiết bị là một trong những khâu quan trọng trong lộ trình nghiên cứu, làm chủ về khoa học trong lĩnh vực thận nhân tạo. Đây là một lĩnh vực không chỉ khiến ngành Y tế mà các ngành liên quan khác cũng “đau đầu” bởi chi phí điều trị quá lớn.
Hơn nữa, sản phẩm nghiên cứu sẽ đóng góp vào Chương trình nghiên cứu sản xuất thiết bị y tế trong nước giai đoạn 2011-2015 do Chính phủ chỉ đạo. Ngoài ra, nếu sản phẩm được ứng dụng đai trà tại các cơ sở y tế sẽ giảm được chi phí trong việc nhập khẩu và lưu kho dịch lọc, từ đó giảm giá thành điều trị cho bệnh nhân.
Hiện tại, ngành Y tế và bảo hiểm mới chỉ đáp ứng điều trị được cho khoảng 10% số lượng bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối. Nếu triển khai tốt việc thực hiện pha dịch lọc tự động tại chỗ thì có thể tiết kiệm được trên 30% chi phí cho dịch lọc, từ đó có thể tăng tỷ lệ bệnh nhân suy thận được điều trị. Bên cạnh đó, với việc nghiên cứu làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị sẽ góp phần vào việc đào tạo trình độ bậc cao trong lĩnh vực điện tử y sinh và trang thiết bị y tế công nghệ cao.
“Hiện các nội dung nghiên cứu đã được hoàn thành theo đúng thuyết minh đăng ký. Thiết bị đã được lắp ráp hoàn chỉnh và đã chạy thử nghiệm tại phòng thí nghiệm. Với những kết quả nghiên cứu đạt được, nhóm nghiên cứu rất mong tiếp tục nhận được sự đầu tư của Nhà nước để phát triển đề tài, tiến tới triển khai ứng dụng vào thực tiễn”, TS Hải bày tỏ.
Theo Báo Đất Việt