Theo dự án lấy rác trên sông và kênh rạch khu vực nội thành TPHCM, mỗi ngày các tuyến kênh sẽ gánh chịu khoảng 88.914kg rác, đến nay lượng rác tồn đọng trên các tuyến kênh rạch, sông ngòi chính của nội thành TPHCM ước khoảng 53.080 tấn.
Thiết bị thu gom rác trên sông đang hoạt động (Ảnh: NLĐ) |
Tuy nhiên, phương pháp thu gom chủ yếu vẫn là phương pháp thủ công, công nhân sử dụng bồ cào, các vợt bằng lưới. Năng suất của phương pháp này không cao bởi lẽ rác trên nước luôn di chuyển và phân tán liên tục, mặt khác khi thuyền, ca nô di chuyển để gom rác sẽ tạo dòng chảy, đẩy rác ra xa, vừa khó khăn cho công nhân vừa làm rác chìm xuống đáy, rất khó vớt.
Nhằm hạn chế nhược điểm của cách thu gom rác truyền thống và cách thu gom rác của một số thiết bị thu gom rác không tự động, kỹ sư Hoàng Tử Cường, Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn, đã nghiên cứu chế tạo ra thiết bị tự động thu gom rác trên sông.
Thiết bị này giống như một con tàu thông thường nhưng có hai thân riêng biệt, dạng phao nổi, liên kết với nhau bởi phần khung sàn tàu cao hơn mặt nước, đầu thân tàu gắn với cánh tay gom rác. Vì vậy, khi tàu chuyển động sẽ tạo nên một dòng chảy mang theo rác nổi vào thân tàu hứng. Rác sẽ được tự động gom vào giữa thân tàu và đổ về thùng chứa mà không phải nhờ đến sức lực, thao tác của công nhân. Tàu gồm các phần như: boong chính, thiết bị lái, truyền động lái, thiết bị neo, chằng buộc, thiết bị cứu sinh, thiết bị cứu hỏa và các thiết bị tín hiệu…
Hiện Tổng Công ty Cơ khí Giao thông vận tải Sài Gòn đã chuyển giao công nghệ cho một số đơn vị tại Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, Hà Nội và TPHCM.
Tin- ảnh: M.Dung
Theo Người lao động