Thoát khỏi nỗi sợ say tàu xe với những mẹo hay của bác sĩ

Thoát khỏi nỗi sợ say tàu xe với những mẹo hay của bác sĩ

Nỗi ám ảnh say tàu xe

Dịp Tết Dương lịch này vào gần cuối tuần nên nhiều người lao động được nghỉ 3 ngày. Hầu hết các gia đình đều tổ chức các chuyến đi chơi xa và tàu xe là phương tiện di chuyển chủ yếu. Thế nhưng, chứng say tàu xe có thể khiến các chuyến đi mất vui do cơ thể bị mỏi mệt, kiệt sức.

Thoát khỏi nỗi sợ say tàu xe với những mẹo hay của bác sĩ
Chứng say xe có thể khiến chuyến đi chơi xa mất vui (ảnh minh họa)

Hằng Nga (25 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) vốn có thể trạng tốt, ít khi ốm vặt nhưng mỗi lần có việc đi đâu đó bằng ô tô lại khiến Nga “sợ chết khiếp”. Nguyên do là bởi Nga mắc chứng say tàu xe. Cứ mỗi lần lên ô tô, Nga thấy chóng mặt, buồn nôn rồi sau đó nôn ói đến mật xanh mật vàng, người lả đi như bị vắt kiệt sức lực. Để tránh tình trạng này, mỗi khi lên ô tô Nga cũng sử dụng thuốc chống say hoặc miếng dán chống say nhưng không phải lúc nào cũng phát huy tác dụng.

Nga chia sẻ: “Dịp Tết Dương lịch này do được nghỉ 3 ngày nên mấy anh chị em trong công ty mình tổ chức đi Mộc Châu, Sơn La chơi. Mình đã đăng ký tham gia nhưng cứ nghĩ đến hành trình vài trăm kilomet đi ô tô sắp tới là hãi hùng. Ngoài ra đường đi nhiều đèo dốc khiến tôi sởn da gà rồi. Lo nhất là đến nơi mà người mệt lả, kiệt sức như mọi khi thì còn chơi bời, thăm thú cảnh sắc gì nữa”.

Thực tế có rất nhiều người đang có chung nỗi niềm như Nga, bản thân muốn đi chơi xa nhưng lại bị chứng say tàu xe ám ảnh. Vậy làm sao để không say xe, từ đó có một chuyến đi vui nhất có thể? Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần nắm được cơ chế gây ra chứng say xe.

Bác sỹ Mạnh Hải (Chuyên khoa thần kinh) cho biết, say tàu xe là vấn đề nhiều người gặp phải khi di chuyển bằng ô tô, tàu hỏa, ca nô, máy bay… Các triệu chứng phổ biến là cảm giác chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, đau đầu và mệt mỏi. “Nguyên nhân của chứng say tàu xe là do hàng ngày, chúng ta quen đi lại trên mặt đất bằng phẳng. Đến khi di chuyển bằng các phương tiện giao thông, có những thay đổi về phương hướng và tốc độ vận động sẽ gây ra kích thích không tốt cho cơ quan tiền đình ở tai, dẫn đến choáng váng, buồn nôn và nôn”, bác sỹ Hải nói.

Nhiều người còn say xe trầm trọng bởi họ mang tâm lý không thoải mái trước khi lên xe, luôn cho rằng chắc chắn lên xe họ sẽ bị say xe, kết quả là họ say xe thật. Với một số người, sự mệt mỏi khó chịu vì say tàu xe sẽ chấm dứt khi họ bước xuống khỏi phương tiện giao thông. Nhưng cũng có người kiệt sức, các triệu chứng tiếp tục kéo dài dù chuyến đi đã kết thúc.

Mẹo đơn giản trị chứng say tàu xe

Nhiều người thường sử dụng thuốc, cao dán để chống chọi với chứng say tàu xe. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc, cao dán không hề tốt cho sức khỏe. Theo bác sỹ Hải, người có “tiền sử” say xe khi lên xe nên tìm chỗ thoáng mát, ngồi hàng ghế đầu, đeo khẩu trang để tránh mùi điều hòa, mùi xe. Nên nhìn cảnh vật trước mắt, không nên nhìn cảnh vật hai bên đường. Bởi khi tàu xe chạy nhanh ngang qua tầm nhìn sẽ dễ gây chóng mặt do mắt là cơ quan báo hiệu vị trí của cơ thể trong không gian, truyền tín hiệu thần kinh lên não.

Mọi người nên tránh đọc sách hoặc nhìn chăm chăm vào màn hình điện thoại. Bởi việc này gây ra mâu thuẫn cảm giác: mắt nhìn vào vật thể tĩnh trong khi cơ thể lại cảm thấy cử động của xe hoặc tàu nên sẽ gây chóng mặt và buồn nôn”, bác sỹ Hải chia sẻ.

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng những “bài thuốc” chống say xe hiệu quả từ cây nhà lá vườn. Lương y Hoàng Bảo cho biết, trước khi xe khởi hành khoảng 30 phút, bạn có thể dùng một khúc gừng tươi, gọt vỏ, rửa sạch, rồi giã nát hoặc nhai nát sau đó uống với một cốc nước ấm. Trên suốt hành trình, bạn nên ngậm trong miệng một lát gừng. Ngoài ra, trước khi lên xe, bạn cũng có thể uống một ly nước ấm có pha dấm. Đây là 2 cách đơn giản nhưng rất hiệu quả để trị chứng say xe.

“Bạn cũng có thể ngửi vỏ chanh, vỏ cam, quýt, bánh mì… hoặc nhấm nháp, ngậm chúng khi buồn nôn. Cách này rất tiện lợi và hiệu quả chống say rất bất ngờ”, vị lương y nói.

Mặt khác, trước khi lên xe phải ăn uống nhẹ nhàng, không để bụng đói. Bởi khi đói bụng, cơ thể sẽ mệt mỏi và dễ xảy ra nôn ói hơn. Nên chọn chỗ ngồi hợp lý hoặc có người ngồi bên cạnh để trò chuyện giúp quên đi sự sợ hãi với say tàu xe.

Minh Minh

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.