Một nghiên cứu cho thấy những thói quen mua sắm của con người có thể truyền sang thế hệ sau.
Nhiều phụ nữ thường xuyên mua áo sơ mi có họa tiết hoa lá và nhận thấy mẹ họ cũng có thói quen đó. Một số người chẳng bao giờ xem phim hài hay tâm lý mà chỉ thích phim khoa học viễn tưởng và nhận thấy cha của họ cũng có sở thích tương tự. Theo một bài báo được đăng trên Livescience hôm qua, thực tế đó khiến hai giáo sư tiếp thị tại Mỹ muốn tìm hiểu xem thói quen mua sắm có thể di truyền hay không.
“Chúng tôi nhận thấy thói quen mua sắm của nhiều người, chứ không phải tất cả, chịu tác động bởi các yếu tố di truyền và những thói quen đó có thể được truyền sang thế hệ sau”, Itamar Simonson, một giáo sư tiếp thị của Đại học Stanford tại Mỹ, tuyên bố.
Simonson và Aner Sela, một giáo sư tiếp thị của Đại học Florida tại Mỹ, theo dõi hành vi mua sắm của các cặp song sinh cùng trứng và khác trứng. Hai nhà nghiên cứu nhận thấy những cặp song sinh cùng trứng (bộ mã di truyền giống hệt nhau) có nhiều hành vi mua sắm giống nhau hơn so với những cặp song sinh khác trứng. Điều đó cho thấy thói quen mua sắm có thể là đặc điểm mang tính di truyền.
Emily Easley, một người được hai giáo sư theo dõi, nói rằng thói quen mua sắm của cô giống hệt cha và mẹ.
“Chúng tôi cùng thích một số loại sản phẩm và thường xuyên mua chúng. Một lần tôi mua chiếc áo sơ mi với những họa tiết hoa, lá trên cổ. Khi về nhà tôi thấy mẹ tôi cũng mua một chiếc giống hệt và cùng màu sắc. Những bộ đồ trong tủ quần áo của tôi và mẹ tương đối giống nhau”, cô kể.
Hai nhà nghiên cứu cũng nhận thấy con người có thể thừa hưởng một số xu hướng trong quá trình ra quyết định tài chính – như coi trọng sự chắc chắn hơn mạo hiểm trong hoạt động đầu tư, ưu tiên mẫu mã hơn chất lượng khi mua sắm.
Dianne Martz, một phụ nữ sống tại thành phố Boston, Mỹ nói rằng bà ngoại, mẹ, cô và con gái đều thích mua sắm một cách cuồng nhiệt trong thời gian rảnh rỗi.
“Theo suy nghĩ của tôi, con gái thừa hưởng cơn nghiện mua sắm từ tôi, còn tôi thừa hưởng thói quen đó từ mẹ và mẹ thừa hưởng nó từ bà ngoại. Nhưng cũng có thể quá trình quan sát hành vi và cách ra quyết định mua sắm của những người lớn tuổi hơn đã tác động tới suy nghĩ của thế hệ sau. Như vậy, một số thói quen hình thành trong con người qua quá trình học hỏi, chứ không phải do di truyền”, Martz nhận định.
Simonson và Sela nhấn mạnh rằng họ không xem xét vai trò của môi trường nuôi dưỡng một cách riêng rẽ mà muốn tìm hiểu ảnh hưởng của cả gene và môi trường nuôi dưỡng đối với hành vi của người tiêu dùng.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những thói quen mang tính di truyền của con người nên được chú ý hơn trong lĩnh vực tiếp thị”, hai giáo sư tuyên bố.