Thời tiết làm nên lịch sử thế giới

Thời tiết làm nên lịch sử thế giới

Đã có những đất nước được cứu nguy nhờ thời tiết, nhưng cũng đã có những thành phố bị hủy diệt chỉ vì yếu tố này. Nagasaki (Nhật Bản) là một ví dụ: Nếu bầu trời không xanh trong vào ngày 8/8/1945, thành phố này đã không phải hứng chịu bom nguyên tử. 

Thời tiết là một trong những yếu tố quyết định đến lịch sử

Năm 489 trước Công nguyên nổ ra cuộc chiến tranh giữa người Hy Lạp Ba Tư. Nếu người Hy Lạp thất bại, nền văn minh của họ sẽ bị xóa sổ và thay bằng văn minh phương Đông của đế quốc Ba Tư thống trị. May mắn là đô đốc thủy quân Hy Lạp Themistocles vốn là người am hiểu thiên tượng. Ông đã vận dụng những kiến thức của mình về gió biển để xoay chuyển cục diện trận thủy chiến ở Salamis. Nhờ vậy, văn minh Hy Lạp được bảo toàn và trở thành một trong những nguồn cội của văn minh phương Tây sau này.

Năm 1247, hoàng đế Nguyên Mông Kublai Khan đã đưa một hạm đội hùng mạnh xâm lược Nhật Bản. Nhưng một trận bão khủng khiếp kết hợp với gió mùa đã khiến đội tàu này bị đánh tan tác và mất tích trên biển. Bảy năm sau, quân Nguyễn Mông lại tiến hành cuộc xâm lược lần thứ hai. Sau gần nửa tháng giao chiến, khi quân Nhật đã sức cùng lực kiệt thì lại có một trận bão lớn và gió mùa tạo thành những cơn lốc xoáy dữ dội, giúp họ dẹp tan kẻ thù. Trong lịch sử Nhật Bản, hiện tượng này được gọi là “gió thần“.

Thời tiết làm nên lịch sử thế giới
Hoàng đế Nguyên Mông Kublai Khan. (Ảnh: japanorama)

Mùa đông nước Nga

Mùa đông nước Nga luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với tất cả những kẻ ngoại xâm. Năm 1709, nhà vua Thụy Điển Charles 12 đã thấm thía điều này khi xua quân đến tấn công nước Nga đúng vào mùa đông. Đạo quân Bắc Âu hùng mạnh đã nhanh chóng suy sụp cả về thể chất lẫn tinh thần vì đói rét. Nước Nga chưa đánh mà đã thắng.

Hơn 100 năm sau, Napoleon tiếp tục đi theo vết xe đổ của Charles 12. Khi đạo quân viễn chinh Pháp chiếm được Maxcơva cũng là lúc mùa đông ập đến. Không chịu nổi cái lạnh thấu xương, vị hoàng đế này phải rút lui. Khi quân Pháp rút khỏi Maxcơva, nhiệt độ ngoài trời đã xuống đến -40 độ C.

Cứ qua một ngày lại có khoảng 50.000 con ngựa chết vì rét. Tất cả những thứ cướp bóc được đều trở thành phục trang chống lạnh hoặc chất đốt, nhưng chẳng thấm vào đâu. Binh lính chết rất nhiều vì thiếu lương ăn. Một số khác chết vì rét cóng. Trong số 600.000 quân Pháp tham chiến ở Nga, chỉ có 150.000 sống sót trở về. Ngày tàn của Napoleon bắt đầu từ đây.

Trời xanh làm hại Nagasaki

Ngày 6/8/1945 là ngày đẹp trời ở Hiroshima. 7h09 sáng, một máy bay trinh sát của quân đội Mỹ bay qua bầu trời thành phố và gửi về căn cứ thông báo: “Mây che phủ ít hơn 3/10. Chỉ dẫn: Ném bom”.

Hơn 1 giờ sau, trái bom nguyên tử đầu tiên được ném xuống Hiroshima. Một thành phố sầm uất đã bị hủy diệt trong giây lát. Số phận của Nagasaki sau đó còn đáng tiếc hơn. Theo kế hoạch, mục tiêu chính của trái bom nguyên tử thứ hai là thành phố Kokura. Nhưng vì bầu trời Kokura hôm 8/8 nhiều mây, tầm nhìn bị giới hạn nên chiếc máy bay B29 mang bom đã chuyển hướng đến mục tiêu dự phòng, đó là Nagasaki, nơi có bầu trời rất trong xanh.

Thời tiết làm nên lịch sử thế giới
Nagasaki bị hủy diệt do kém may mắn về thời tiết  năm 1945. (Ảnh: japaneselifestyle)

Cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử thành công vì dự báo thời tiết

Đầu tháng 6/1944, hơn 150.000 binh sĩ quân đội phe đồng minh đổ bộ lên bãi biển vùng Normandy, bắt đầu cuộc tổng phản công chống lính phát xít.

Trước khi chiến dịch diễn ra, các nhà khí tượng học được giao nhiệm vụ cung cấp dự báo thời tiết để chuẩn bị cho ngày mở màn.

Các nhà sử học nhận định, đây là kế hoạch dự báo thời tiết quan trọng nhất lịch sử. Nếu các nhà khí tượng học sai, phe Đồng minh có thể phải trả giá bằng tính mạng của hàng chục nghìn binh lính. Những người chỉ huy biết rằng chỉ có vài ngày thời tiết thuận lợi để đổ bộ lên nước Pháp trong mùa hè năm 1944.

Thời tiết làm nên lịch sử thế giớiDự báo khí tượng chính xác đã giúp tướng Eisenhower lựa chọn thời điểm tấn công mà quân đội Quốc xã không ngờ tới. (Ảnh: Flickr)

Ban đầu, phe Đồng minh dự định mở màn cuộc đổ bộ vào ngày 5/6/1944. Tuy nhiên, thời tiết trên khu vực eo biển Anh diễn biến rất thất thường gây khó khăn cho công tác dự báo. Văn phòng khí tượng Hải quân Hoàng gia Anh và Lực lượng Không quân chiến lược – chiến thuật Mỹ chịu trách nhiệm nghiên cứu tình hình nhằm đưa ra dự báo chính xác.

Các nhà khí tượng học Anh đã tiến hành quan sát từ ngày 29/5/1944 ở vùng Newfoundland, Canada dọc theo Đại Tây Dương. Dựa trên các dữ liệu thu được, họ dự báo ngày 5/6 thời tiết không thuận lợi. Trong khi đó, các nhà khí tượng học Mỹ lại có kết quả tính toán khác.

Nhà khí tượng học James Stagg, người đứng đầu Văn phòng khí tượng Hải quân Hoàng gia Anh, đã thuyết phục tướng Eisenhower hoãn chiến dịch. Vị tướng Mỹ đứng trước lựa chọn rất khó khăn. Những giờ đầu tiên của ngày 4/6 thời tiết khá bình thường, nhưng Stagg quả quyết thời tiết sẽ thay đổi.

Tướng Eisenhower quyết định hoãn chiến dịch thêm 24 giờ. Trong khi đó, phía Đức cũng đưa ra dự báo thời tiết xấu và họ tin rằng, phe Đồng minh chưa thể thực hiện cuộc đổ bộ trong tháng 6/1944. Nhưng các nhà khí tượng học của Đức đã sai lầm do họ sử dụng các công nghệ dự báo kém hơn so với phe Đồng minh.

Tối ngày 4/6, thời tiết diễn ra rất xấu tại Portsmouth, Anh. Lúc đó, nhà khí tượng Stagg trao đổi với tướng Eisenhower rằng, thời tiết sẽ sớm cải thiện trong một vài ngày tới. Trong cuộc họp của Hội đồng tướng lĩnh cấp cao phe Đồng minh để chọn lại ngày mở màn chiến dịch, phần lớn các ý kiến cho rằng, với điều kiện khí hậu như hiện tại, thời điểm hợp lý để tiến hành đổ bộ là 2 tuần sau đó.

Khi ấy, tướng Eisenhower nhận thấy, nếu tiếp tục trì hoãn, phe Đồng minh sẽ mất yếu tố bất ngờ. Trên cơ sở dự báo khí tượng của Stagg, vị chỉ huy quyết định chọn ngày 6/6 mở màn cuộc đổ bộ lớn nhất lịch sử. Những giờ đầu tiên của cuộc đổ bộ, thời tiết không thực sự thuận lợi. Những đám mây dày gây khó khăn cho hoạt động nhảy dù.

Một số xuồng đổ bộ bị sóng đánh lật úp. Nhưng đến trưa, điều kiện thời tiết trở nên tốt hơn. Dự báo của Stagg đã đúng. Quân đội Quốc xã hoàn toàn bất ngờ trước cuộc đổ bộ của phe Đồng minh và chịu tổn thất nặng nề.

Thành công của cuộc đổ bộ Ngày D cho thấy giá trị chiến lược của công tác dự báo thời tiết đối với các hoạt động tấn công bằng đường biển. Nhờ tính toán chính xác của các nhà khí tượng học, tướng Eisenhower đã lựa chọn thời điểm mở màn chiến dịch mà quân đội Quốc xã không thể ngờ tới.

Các nhà sử học nhận định, nếu cuộc đổ bộ diễn ra trong ngày 5/6 như kế hoạch ban đầu, phe Đồng minh có thể phải chịu tổn thất nặng nề. Chiến tranh Thế giới thứ II có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng khác.

Mặt trận phía Tây cùng với mặt trận phía Đông do Liên Xô dẫn đầu tạo nên gọng kìm siết chặt quân đội Đức từ 2 phía. Gần một năm sau cuộc đổ bộ lịch sử của phe Đồng minh ở Normandy, Đức quốc xã bại trận, kết thúc cuộc chiến tranh đẫm máu nhất lịch sử nhân loại.

 

Theo Khoa Học & Đời Sống, Livescience, VNE