Một nhân viên văn phòng gián tiếp tạo ra trung bình 13,6 tấn khí CO2 mỗi năm thông qua hành vi gửi thư điện tử, một cơ quan thuộc chính phủ Pháp tuyên bố.
>>>Trái đất sẽ tăng lên 3 độ C vào năm 2050
Mỗi khi con người gửi thư điện tử, chúng ta phải bật máy tính và truy cập mạng Internet. Sau đó nội dung thư điện tử sẽ được lưu trữ trong các máy chủ và kho dữ liệu – những thứ cũng cần điện để hoạt động. Phần lớn điện phục vụ máy tính và máy chủ được sản xuất từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch như dầu, than đá.
Theo một báo cáo của Cơ quan Quản lý Môi trường và Năng lượng Pháp (ADEME), chỉ riêng với việc gửi và nhận thư điện tử, mỗi nhân viên văn phòng gián tiếp tạo ra trung bình 13,6 tấn CO2 mỗi năm, tức là gấp hơn hai lần lượng khí CO2 trung bình mà một người Pháp tạo ra hàng năm.
ADEME đưa ra con số trên sau khi nghiên cứu một công ty Pháp. 100 người trong công ty làm việc 220 ngày mỗi năm. Mỗi người nhận 58 và gửi 33 thư điện tử mỗi ngày. Dung lượng trung bình của mỗi thư điện tử là 1MB.
Số lượng người nhận thư điện tử càng nhiều và dung lượng thư điện tử càng lớn thì lượng khí CO2 phát thải càng cao.
Facebook và Twitter – hai trong số những mạng xã hội lớn nhất thế giới – tuyên bố họ đang nỗ lực giảm thiểu lượng CO2 phát thải tới mức thấp nhất.
Facebook, mạng xã hội với khoảng 800 triệu người sử dụng, đang xây một trung tâm dữ liệu lớn tại thành phố Luleaa của Thụy Điển. Luleaa nằm gần Bắc Cực nên thời tiết giá lạnh của nó sẽ làm nguội các máy chủ. Nhờ đó Facebook không phải dùng máy điều hòa nhiệt độ, loại thiết bị làm tăng lượng khí CO2 trong không khí do sử dụng điện.
Raffi Krikorian, giám đốc phụ trách cơ sở hạ tầng của Twitter, từng tuyên bố công ty sẽ phấn đấu giảm một tấn trong lượng khí CO2 mà người sử dụng Twitter gián tiếp tạo ra mỗi ngày.
Theo VNE