Ở thời cổ đại, sát thủ là người chuyên đi ám sát những vị vua, nhà lãnh đạo, hoặc gây mất đoàn kết trong nội bộ kẻ thù.
Theo Ancient Origins, những cuộc ám sát xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử nền văn minh loài người. Mục tiêu của hoạt động bí mật này nhằm tiêu diệt các nhân vật quan trọng trong doanh trại kẻ thù. Một số nhà chiến lược quân sự thậm chí còn viết về cách để các lãnh đạo sử dụng sát thủ nhằm tăng sức mạnh quân đội.
Sát thủ là những người ám sát chuyên nghiệp. (Ảnh: Ancient Origins).
Chiến lược gia người Trung Quốc
Tôn Tử, nhà chiến lược quân sự Trung Quốc, dù không viết rõ ràng về việc sử dụng sát thủ bí mật, nhưng chương 13 của Binh pháp Tôn Tử đề cập đến hoạt động gián điệp và sử dụng điệp viên chiến tranh.
Tôn Tử viết nên sử dụng gián điệp để thu thập thông tin về nhân sự của quân địch, bất kể mục tiêu nhằm tiêu diệt một đội quân, tấn công thành phố hay ám sát một cá nhân nào đó. Nhưng ông không đi sâu vào chi tiết các loại sát thủ và cách sử dụng những vụ ám sát.
Bức tượng của Tôn Tử tại Yurihama, Tottori, Nhật Bản. (Ảnh: Wikipedia).
Tác phẩm của Kautilya
Không giống như Tôn Tử, cố vấn trưởng của đế chế Mauryan, Kautilya, viết một cách chi tiết hơn về việc sử dụng sát thủ trong đề mục “hoạt động gián điệp” của cuốn sách Arthashastra, tạm dịch là “Khoa học kinh tế chính trị”. Đây là một luận thuyết với các chủ đề khác nhau về nghệ thuật quản lý đất nước, chính sách kinh tế, chiến lược quân sự.
Theo Kautilya, điệp viên được phân thành nhiều loại khác nhau, bao gồm sát thủ. Sát thủ có thể chia thành nhóm nhỏ, mỗi nhóm sử dụng chiến thuật khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Ví dụ, một nhóm sát thủ chuyên đầu độc bao gồm các thành viên là đầu bếp, người làm nước sốt. Đặc trưng của họ là tàn nhẫn, không có lòng hiếu thảo, chịu đau tốt.
Ngoài việc giết chết mục tiêu, sát thủ cũng được dùng để loại bỏ các vị đại thần gây khó dễ hoặc gây mất đoàn kết trong triều đình.
Hội sát thủ Hashshashin
Hội sát thủ Hashshashin là thành viên của Ismailis Nizari, một nhánh Hồi giáo Shia. Đây là nơi đào tạo ra những sát thủ nổi tiếng nhất trong lịch sử. Họ thành lập một nhà nước tại Trung Đông thời kỳ Trung Cổ. Trong thời gian này, nhiều quốc gia mạnh mẽ thống trị vùng Trung Đông, chẳng hạn như đế chế Seljuk theo Hồi giáo dòng Sunni và quân Thập tự chinh theo đạo Thiên Chúa.
Trên chiến trường, Hashshashin không thể đấu lại với kẻ thù do có số lượng nhỏ. Họ sử dụng cách tiếp cận khác đó là kiểm soát pháo đài ở Trung Đông, từ đó cử người ra ám sát các nhà lãnh đạo đối phương.
Một bức tranh thế kỷ 14 miêu tả vụ ám sát Nizam al-Mulk. (Ảnh: Wikipedia).
Nạn nhân đáng chú ý của Hashshashin bao gồm Bá tước Raymond III xứ Tripoli, Conrad xứ Montferrat, cũng như tể tướng của đế chế Seljuk, Nizam al-Mulk. Ngay cả nhà lãnh đạo người Hồi giáo Saladin cũng trở thành mục tiêu ám sát nhưng không thành công.
Một trong những sách lược Hashshashin thường dùng là giết chết mục tiêu ở nơi công cộng. Bằng cách này, Hashshashin vừa tiêu diệt được đối thủ, vừa tạo ra nỗi sợ hãi trong tâm trí kẻ thù.
Vào thế kỷ 13, Mông Cổ xâm lược Trung Đông. Khoảng 40 pháo đài của Hashshashin, trong đó có lâu đài nổi tiếng Alamut, bị quân Mông Cổ chiếm đóng và san bằng. Điều này đánh dấu sự tan rã của tổ chức sát thủ Hashshashin.