Các nhà khoa học đang cố gắng tìm cách bảo vệ Trái đất mong manh khỏi những thiên thạch khổng lồ lang thang trong dải Ngân hà.
Với nguồn tài trợ 4 triệu euro từ EU và 1,8 triệu euro từ các viện Khoa học, dự án NEOShield dự kiến sẽ hoàn tất trong ba năm. Trung tâm Không gian Đức sẽ xây dựng một tàu bảo vệ thử nghiệm. Sau đó, nếu được rót thêm tiền, con tàu này sẽ được phóng lên không gian vào năm 2020. Một số ý tưởng đã được đề cập đến như bắn vỡ thiên thạch bằng thuốc nổ hoặc tên lửa trước khi chúng có thể đe dọa Trái đất, hoặc sử dụng trọng lực để làm thay đổi đường đi của chúng.
Có tới hàng ngàn thiên thạch cỡ lớn và hàng chục
ngàn thiên thạch cỡ nhỏ có thể “đi lạc” gần Trái đất
Tuy nhiên, dự án này có phần muộn mằn để đối phó với một thiên thạch có kích cỡ lớn gấp 400 lần London sẽ xẹt qua Trái đất vào tuần tới.
Theo DailyMail, thiên thạch (433) Eros này dài khoảng 30km, rộng 9,6km và cao 9,6km. Tuy nhiên, dù sở hữu kích thước khổng lồ nhưng (433) Eros được dự đoán sẽ không đe dọa nhiều đến Trái đất và nằm cách xa quỹ đạo của mặt trăng.
Mới đây nhất, một thiên thạch to cỡ chiếc xe bus cũng vừa bay “sát sạt” Trái đất vào rạng sáng 28/1. Theo ước tính của NASA, 2012 BX34 chỉ cách Trái đất khoảng 36.750 dặm, bằng một phần năm khoảng cách từ Trái đất đến mặt trăng.
“Sứ mệnh khả thi”
“Rất nhiều ý tưởng đã được đề xuất. Nhưng cho tới thời điểm này, hầu hết chúng đều chỉ là ý kiến của một cá nhân, một viện nghiên cứu đơn lẻ nên rất khó để theo đuổi đến cùng”, ông Alan Harris, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ trên Spiegel Online.
Chẳng hạn như việc dùng thuốc nổ để bắn phá thiên thạch bị cho là “phương án cuối cùng, tuyệt vọng”.
“Chúng tôi muốn giới thiệu với mọi người một sứ mệnh khả thi, nằm trong khả năng của con người. Nhiều khả năng đó sẽ là kết hợp trọng lực với máy phát động lực để đẩy thiên thạch ra xa. Nói cách khác, đó sẽ là một khiên chắn bảo vệ Trái đất ngay từ không gian”.
Theo Daily mail, Vietnamnet