Hiện nay, tình hình Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) vẫn diễn biến phức tạp tuy nhiên chưa có loại vắc-xin nào được sử dụng để chống lại virus gây ra dịch bệnh này. Yêu cầu cần có loại vắc-xin phòng bệnh càng được đặt ra cấp bách khi dịch bệnh bùng nổ ở Hàn Quốc, dẫn đến việc lây nhiễm qua hơn 150 người và đã gây ra 1 số trường hợp tử vong.
Hai năm trước, 1 nhóm các nhà nghiên cứu do Giáo sư Gerd Sutter – người đứng đầu Viện nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm và các bệnh lây từ động vật sang người tại Universitaet Muenchen (Đức) dẫn đầu, cho biết họ đã phát triển 1 vắc-xin chống lại virus MERS-CoV.
Mới đây, theo báo cáo công bố trên tạp chí Journal of Virology, xét nghiệm tiền lâm sàng đã khẳng định hiệu quả của nó. Những kết quả này đã dẫn đường cho việc đưa vắc-xin này vào quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn I.
Loại vắc-xin này có tên là MVA-MERS-S do nhóm nghiên cứu trên hợp tác với các đồng nghiệp tại Đại học Marburg và Trung tâm y tế Erasmus ở Rotterdam cùng phát triển. Nó được tạo ra dựa trên việc sử dụng các virus Modified Vaccinia Ankara (MVA). Về cơ bản, MVA như 1 phương tiện để tạo kháng nguyên miễn dịch.
Sử dụng kỹ thuật sinh học phân tử, nhóm nghiên cứu của Sutter đã thay đổi cấu trúc gen của MVA, thêm thông tin di truyền mã hóa, tạo ra các protein đặc trưng của các virus gây bệnh khác. Các virus đã được biến đổi sau đó có thể tổng hợp các protein ngoài và nằm trên bề mặt của các tế bào bị nhiễm bệnh. Khi đó, hệ thống miễn dịch có thể nhận ra các tế bào xâm nhập, kích thích sản xuất kháng thể và các tế bào T chống lại chúng.
Hiệu quả và an toàn của loại vắc-xin này đã được xác minh. Tiến sỹ Asisa VOLZ, 1 thành viên của nhóm Giáo sư Sutter và là tác giả đầu tiên của nghiên cứu mới này cho biết: “Chúng tôi đã thấy lần đầu tiên MVA-MERS-S có hiệu quả khi gây miễn dịch bảo vệ chống lại MERS-CoV trong thí nghiệm ở chuột.”
Do đó, họ tin rằng MVA-MERS-S có thể đáp ứng các tiêu chí quan trọng để sử dụng trong các thử nghiệm lâm sàng trên các đối tượng là con người.
Bệnh nhân bị nhiễm MERS-CoV ban đầu có các triệu chứng giống cúm, nhưng bệnh có thể tiến triển thành 1 bệnh hô hấp và có thể gây chết người. Virus này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2012 khi xuất hiện ở Ả-rập Xê-út. Dịch bệnh đang lây lan mạnh ở Hàn Quốc và được ghi nhận là nước có nhiều trường hợp bị nhiễm bệnh nhất ở ngoài khu vực Trung Đông.
Thụy Du – (Dịch theo SD)
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.