Sau chuỗi động đất xảy ra ở Lai Châu trong những ngày cuối tháng 4/2011, ngày 7/5 vừa qua, một trận động đất mạnh hơn 4 độ richter lại xảy ra ở Sơn La. Nhiều người đặt nghi vấn “thủ phạm” là các hồ chứa nước. Có người lại cho rằng, đây chỉ là dư chấn thông thường của trận động đất trước.
Do hồ thủy điện?
GS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, đúng là trong năm 2011 này, ở hầu khắp các vành đai động đất lớn trên thế giới, động đất có vẻ như diễn ra nhiều hơn các năm. Lý do là bởi trận động đất mạnh hơn 9 độ richter của Nhật Bản đã tác động và kích thích đến các vành đai động đất khác.
Đối với nước ta, chưa có bằng chứng cụ thể nào cho thấy, Việt Nam bị ảnh hưởng của động đất Nhật Bản. Nếu có, chắc cũng chỉ là những ảnh hưởng gián tiếp mà chúng ta chưa thể nhìn ra được. Từ đầu năm đến nay, nước ta đã ghi nhận được một số trận động đất. Đối với Sơn La, Lai Châu, những khu vực trong quá khứ cũng đã từng xảy ra động đất. Nguyên nhân có thể là do yếu tố nội sinh vì các khu vực này nằm trên các đới đứt gãy. Tuy nhiên, cũng có thể là do sự tác động từ hồ chứa thủy điện.
Động đất do các tác nhân bên ngoài như các hồ thủy điện, hồ chứa nước… chỉ xảy ra trong bán kính 30km xung quanh hồ đập.
GS.TSKH Phạm Hồng Giang, Hội Đập lớn cho rằng, đến thời điểm này vẫn chưa có cơ sở nào để khẳng định sự tồn tại của các đập thủy điện tác động đến sự hình thành của các trận động đất. Vùng Tây Bắc xảy ra các trận động đất liên tiếp là vì nằm trong đới đứt gãy từ trong lòng đất chứ không có cơ sở khẳng định nó là ảnh hưởng của các đập nước. Các hồ lớn trên thế giới cũng chưa từng xảy ra hiện tượng này.
TS Lê Tử Sơn, trưởng phòng Quan sát Động đất, Viện Vật lý Địa cầu cho hay, động đất kích thích hay còn gọi là động đất do các tác nhân bên ngoài như các hồ thủy điện, hồ chứa nước… chỉ xảy ra trong bán kính 30km xung quanh hồ đập. Những trận động đất liên tiếp vừa rồi đều xảy ra cách xa các hồ chứa nên có thể khẳng định đó là những trận động đất tự nhiên.
Động đất nhiều vào mùa mưa
Theo KS Nguyễn Văn Yêm, nguyên cán bộ của Trung tâm Báo tin Động đất và Cảnh báo Sóng thần, các trận động đất ở Lai Châu, Sơn La trong thời gian qua không phải là quá bất thường. Tây Bắc vốn là khu vực được dự báo là có khả năng xảy ra nhiều động đất. Tần suất xuất hiện động đất mỗi năm cũng khác nhau, có năm có tới 10 trận động đất, nhưng cũng có năm chỉ xuất hiện vài trận.
TS Lê Tử Sơn cũng cho rằng, đây là những trận động đất không có gì bất thường, là dư chấn của những trận động đất mạnh trước đó và nó sẽ tồn tại từ 1 – 2 tháng rồi mới dừng hẳn. Nếu những trận động đất sau có cường độ mạnh hơn trận trước thì mới có thể coi là bất thường. Những dư chấn này là bình thường, khó tránh và không có gì đáng lo.
Tuy nhiên, cũng có một quy luật không rõ ràng rằng, cứ vào mùa mưa đến khi kết thúc mùa mưa, động đất xảy ra nhiều hơn. Lý do là bởi, nước sẽ ngấm xuống đất làm thay đổi ma sát trượt trong lòng đất gây kích thích các trận động đất. Theo đó, có những trận động đất lẽ ra phải vài năm nữa mới xảy ra nhưng do bị thay đổi ma sát trượt mà động đất đã diễn ra nhanh hơn.
Trận động đất ở Bình Thanh, Hòa Bình năm 1986 là một ví dụ điển hình. Khi đó, hồ thủy điện mới tích nước khoảng 86m đã gây ra động đất mạnh 4,9 độ richter.
[#RelatedNews(213)#]
Theo Đất Việt