Hiện tượng xói mòn đất ở đập tràn của hồ trữ nước có thể khiến bức tường bê tông cao gần 10 mét đổ sập, đe dọa mạng sống của hơn 100.000 người dân.
Vỡ đập là thảm cảnh khiến mọi kỹ sư công trình khiếp sợ. Đây cũng là ác mộng mà nhà chức trách Mỹ đang phải đối phó khi lệnh sơ tán khẩn hơn 100.000 người ở hạ nguồn đập nước cao nhất nước này hôm 12/2 do tường ngăn ở hồ chứa nước lớn thứ hai gần thành phố Oroville, bang California có nguy cơ sụp đổ, theo Los Angeles Times.
Bức tường bê tông này để nước chảy tràn qua, giúp giảm bớt áp lực khổng lồ đè lên đập Oroville nằm ở gần đó.
Một hố lớn do quá trình xói mòn gây nên đang lan rộng đến bức tường bê tông thấp được coi là tuyến phòng ngự cuối cùng trước khi thảm họa xảy ra. Công trình mang tên đập tràn này được thiết kế như lối thoát khẩn cấp cho dòng nước dâng lên nhanh ở hồ Oroville. Bức tường bê tông này để nước chảy tràn qua, giúp giảm bớt áp lực khổng lồ đè lên đập Oroville nằm ở gần đó.
Bức tường bê tông là một bộ phận chủ chốt của hệ thống xả nước khẩn cấp ở hồ Oroville và chưa từng được sử dụng từ khi con đập khánh thành năm 1968. Hoạt động vào cuối tuần trước là lần vận hành thử đầu tiên của bức tường sau khi xói mòn gây hư hại lớn cho đập tràn chính.
Tuy nhiên, không lâu sau khi nước bắt đầu chảy qua đập tràn, một điểm yếu được phát hiện ở hệ thống xả nước khẩn cấp. Nền đất dưới chân đập tràn bắt đầu bị xói mòn, tạo nên lỗ hổng lớn có kích thước bằng sân bóng đá, ngày càng ăn sâu vào móng bức tường bê tông. Nếu đất tiếp tục bị rửa trôi, lỗ hổng sẽ làm móng tường suy yếu và nứt vỡ, khiến bức tường nước cao gần 10 m đổ ụp xuống thung lũng bên dưới. Hàng triệu lít nước sẽ ào ạt đổ vào sông Feather, phụ lưu chính của con sông lớn nhất tại California, Sacramento, làm ngập những thị trấn dọc hai bên bờ sông.
Hố xói mòn có thể làm sụp đổ tường bê tông chắn đập nước, gây ra thảm họa. (Đồ họa: LATimes).
“Một khi xói mòn tác động đến dòng nước, nó sẽ rơi vào tình trạng mất kiểm soát. Và ngay khi nước bắt đầu tràn qua, bạn sẽ không có cách nào để ngăn lại”, Chris Orrock, phát ngôn viên Cơ quan tài nguyên nước của California, cho biết.
Rất may là trong vòng 90 phút sau khi các nhà chức trách quyết định đẩy nhanh xả nước qua đập tràn chính của hồ Oroville, tốc độ xói mòn bên đập tràn khẩn cấp bắt đầu chậm lại. Vào tối hôm 12/2, mực nước trong hồ đã hạ xuống thấp hơn đập tràn và không còn chảy qua bức tường bê tông. Tình trạng xói mòn đất được ngăn chặn kịp thời.
Tuy nhiên, khu vực này chuẩn bị đón một mưa lớn trong những ngày tới, khiến tình hình được dự báo là sẽ vô cùng nghiêm trọng. Đập Oroville vẫn là một quả bom nổ chậm kinh hoàng, thể hiện sức mạnh vượt trội của thiên nhiên trước con người.
Theo VnExpress