Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã hiện hữu ở dãy Trường Sơn – lá phổi khổng lồ của Việt Nam. Do vậy, sự thay đổi khí hậu, môi trường sinh thái nơi đây có nguy cơ hủy diệt, xua đuổi các loài thú quý hiếm.
Theo GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam, khả năng để giảm thiểu và thích ứng với BĐKH đối với các loài động vật hoang dã nói chung và các loài thú bị đe dọa nói riêng hoàn toàn phụ thuộc vào điều kiện môi trường tự nhiên: nơi cư trú, nguồn thức ăn, nguồn nước… và nền văn minh của con người. Chính vì vậy, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến các giải pháp, chính sách đầu tư về nguồn tài chính và nhân lực để rà soát, củng cố và quy hoạch mở rộng hệ thống các khu bảo tồn tự nhiên và vườn quốc gia (VQG) trên dãy Trường Sơn.
Vườn Quốc gia Pù Mát
Đặc biệt, vấn đề quy hoạch sử dụng đất ở Tây Nguyên trước sự phát triển nhanh diện tích trồng cây cao su, cũng như xây dựng các công trình thủy điện hiện nay ở Tây Nguyên. Nghiên cứu cơ sở khoa học để tiến hành quy hoạch một số hành lang xanh trên dãy Trường Sơn để bảo vệ các sinh cảnh sống ổn định cho các loài động vật hoang dã, các loài thú bị đe dọa trước sự tác động của BĐKH (hành lang bảo tồn các loài thú lớn: voi, hổ Đông Dương, các loài bò rừng, các loài thú linh trưởng…).
Một giải pháp nữa cũng được các nhà khoa học đề xuất đó là lồng ghép việc quy hoạch trồng rừng với chương trình xóa đói giảm nghèo trên dãy Trường Sơn, bằng cách tạo, nhân giống các loài thực vật, động vật thích hợp với các hệ sinh thái rừng ẩm, rừng khô, rừng thưa để dự phòng khi có thảm họa xảy ra. Xây dựng các điểm giám sát các loài thú bị đe dọa tại một số VQG Pù Mát (Nghệ An), Dak Krông – Bắc Hương Hóa (Quảng Trị), Chư Mom Ray (Kon Tum), Yok Don (Dak Lak), Cát Lộc (Lâm Đồng) nhằm phục vụ cho lập kế hoạch quản lý các loài thú bị đe dọa để ứng phó với bối cảnh BĐKH.
Dãy Trường Sơn được xem như là một bức tường thành vững chắc cho việc bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong đó có các loài thú quý hiếm bị đe dọa, nép ẩn dưới màu xanh của núi rừng Trường Sơn trong bối cảnh khí hậu thay đổi. Khi nhiệt độ trái đất ngày càng nóng lên cùng với mực nước biển dâng 1 – 2m thì chính con người cũng như các loài động vật, các loài thú sống ở các vùng thấp cũng phải di chuyển lên dãy Trường Sơn để tồn tại và phát triển.
Theo Đất Việt