Thụ tinh nhân tạo cho voi

Thụ tinh nhân tạo cho voi

Ngày 7/3/2007, giới khoa học Thái Lan làm nức lòng người yêu voi với sự kiện chú voi thụ tinh nhân tạo đầu tiên đã ra đời tại châu Á. Mẹ chú tên Kaud, 25 tuổi, đã được tập thể các chuyên gia của Viện Voi Quốc gia Thái, khoa Dược thú y trường Đại học Kasetsar và đại học Chieng Mai phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Voi đặt tại tỉnh Surin giúp đỡ để mang bầu từ tháng 6/2005.

Trước đó, một nhóm chuyên gia thú y dưới sự chỉ đạo của bác sĩ Thomas Hildebrandt đã thực hiện thành công vang dội ca sinh tư voi thụ tinh nhân tạo đầu tiên tại Berlin (Đức) vào tháng 1/2002.

Việc lấy tinh trùng của con voi đực rất gian nan: Gây mê, kích thích bằng phương pháp điện tử rồi cho nó hồi tỉnh đúng lúc để phóng tinh trùng. Với voi cái – loài vật có tử cung nằm sâu cả mét dưới lớp da thịt cứng dày ngồn ngộn, bác sĩ Thomas Hildebrandt cùng cộng sự đã dùng một ống nhựa mềm gắn bộ rung điện tử kèm hệ thống siêu âm đưa vào cơ thể voi, giúp nó không bị đau mà cảm thấy được kích thích khi quá trình thụ tinh nhân tạo diễn ra.

Có nguồn tin cho biết, một khoản tài trợ quốc tế 6 triệu USD cho chương trình Bảo tồn voi Việt Nam đã được rót về, dự kiến phân bổ kinh phí cho việc xây dựng 3 vùng bảo tồn voi ở Nghệ An, Đắk Lắk và Đồng Nai.

Thụ tinh nhân tạo cho voi

Ở Đăk Lăk hiện chỉ còn gần 60 con voi (Ảnh: TP)

Nhiều chuyên gia tin rằng, nếu kinh phí được rót đúng nơi, đúng người thì các nhà khoa học Việt trên nền tảng kế thừa kinh nghiệm những người đi trước, sẽ không mất quá nhiều thời gian cho việc thực nghiệm thành công thụ tinh nhân tạo cho voi.

Xin săn voi

Tình trạng voi hoang dã suy giảm dần số lượng một cách nhanh chóng là điều đã rõ. Dồi dào nhất là miền Nam Ấn ước còn trên dưới 1,5 vạn con. Các nước như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Srilanka, Lào đều còn khoảng 1.000 đến 5.000 con. Campuchia còn khoảng 200-500 con. Việt Nam chỉ còn hơn 100 con.

Một tập sách dày gần trăm trang vừa ra đời, đó là tập “Tài liệu phục vụ xây dựng Luật Đa dạng Sinh học” của Bộ Tài nguyên Môi trường, trong đó có đề xuất: Nhà nước khuyến khích thuần hóa và gây giống các loài hoang dã; Bất cứ ai có ý định thuần hóa, gây giống các loài hoang dã theo danh mục bảo vệ đặc biệt của Nhà nước sẽ được cấp phép…

Từ Dự luật này, có thể hy vọng trong tương lai không xa, nghề săn voi cũng sẽ được phục hồi và bảo tồn như bảo tồn chính con voi. Vấn đề chỉ ở chỗ, thời gian chờ đợi đừng quá lâu đến nỗi những người giỏi nghề không còn đủ sức mà săn voi nữa.

H.T.N

 

Theo Tiền phong