Tại một khu vực thuộc xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế, các nhà khoa học Việt Nam vừa phát hiện một loài cây quý, cây chóc máu hay chóp mào. Đây là cây có tác dụng chữa ung thư.
Trong quá trình nghiên cứu hệ sinh thái khu vực đồi Cù Dù, cửa sông Bù Lu (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc), thạc sĩ sinh học Mai Văn Phô đã xác định được 63 loài thực vật gồm: 11 loài thực vật ngập mặn đặc trưng, 11 loài ven bờ ngập nước, 41 loài thực vật vùng đồi.
Trong số các loại cây này đặc biệt có cây chóc máu (có vùng gọi là chóp máu hay chóp mào) tên khoa học là Salacia chinensis có giá trị về mặt y học. Đây là loại dây leo cao 1-2m, cành nhỏ có cạnh, mặt dưới lá màu lục nâu; quả mọng, hình quả lê, chóp quả màu đỏ.
Được xem là loài biệt dược có khả năng hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư, chóc máu đang được nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước nghiên cứu.
Ngoài Vườn quốc gia Bạch Mã, nơi đang bảo tồn nguồn gen chóc máu, ông Mai Văn Phô cho biết ở núi Kim Phụng, thôn Hải Cát (Hương Thọ, Hương Trà) người dân cũng đã phát hiện loài dược liệu này.
Cây chóc máu – Salacia chinensis. (Ảnh: snvworld.org)
Theo SGGP, VietNamNet