Bước sang giai đoạn 10-12 tháng, thực đơn và khẩu phần ăn của bé sẽ có nhiều thay đổi. Ở độ tuổi này, trung bình bé ăn 3 bữa chính/ ngày, thêm 2 bữa phụ/ ngày. Bé vẫn duy trì uống 2-3 bữa sữa mẹ hoặc sữa công thức, mỗi bữa sữa khoảng 150ml-200ml tùy từng bé.
Thực đơn ăn dặm tham khảo sau đây có sự kết hợp của cả ăn dặm truyền thống và ăn dặm kiểu Nhật. Mẹ có thể vừa giới thiệu đến bé những món hoa quả, rau củ nghiền, cháo nghiền, để bé phân biệt được mùi vị các món ăn, vừa có thể nấu cháo theo kiểu truyền thống nếu mẹ không có nhiều thời gian.
Những loại rau củ rất tốt cho hệ tiêu hóa cũng như sức khỏe của bé như cải bó xôi, rau chân vịt, củ cải đỏ, rong biển, khoai tây, cà rốt, súp lơ, đậu Hà Lan, bí ngòi…mẹ có thể nấu cùng cháo, hấp ăn riêng hoặc nghiền với các loại rau củ khác để tăng thêm vị thơm ngon.
Ngoài rau củ, các loại hoa quả như bơ, táo, lê, chuối, xoài… cũng là những trái cây lành có thể ăn trong những tháng này. Mẹ không nên cho bé uống nước hoa quả vì lượng đường nhiều và không có chất xơ, vừa không tốt cho hệ tiêu hóa, vừa tăng nguy cơ bị béo phì.
Các sản phẩm từ sữa như sữa công thức, sữa chua, phô mai mẹ vẫn duy trì cung cấp cho bé. Bé dưới 1 tuổi chưa nên uống sữa tươi nên sữa công thức vẫn là nguồn cung cấp chính. Nếu bé chưa quen ăn phô mai, mẹ có thể cho vào cháo nấu cho bé ăn. Tuy nhiên mỗi lần chỉ cho một viên nhỏ (khoảng 3g) và nếu cho phô mai rồi, mẹ cần phải giảm lượng đạm (thịt, cá, trứng) xuống.
Nhóm thực phẩm giàu protein, canxi và omega-3 như thịt gà, thịt bò, thịt lợn, trứng, tôm, cua, cá, đặc biệt là cá hồi có thể kết hợp nấu cháo cùng các loại rau củ khác.
Giai đoạn này bé sẽ làm quen với các món có độ thô hơn các tháng trước đó. Bé cũng sẽ học được cách cầm nắm thức ăn đưa vào miệng nếu mẹ giới thiệu đến bé các món rau củ quả có thể cầm tay ăn được. Được ăn bốc và khám phá đồ ăn bằng tay sẽ là trải nghiệm tuyệt vời với bé. Mẹ lưu ý tăng dần độ thô để bé ăn thô tốt hơn. Khi bé đã quen dần, không xay/ nghiền thức ăn quá kỹ sẽ làm bé lười nhai, ăn thô kém, chậm phát triển cơ hàm.
Khi nấu món ăn dặm cho bé, mẹ lưu ý không nêm muối. Thực tế, lượng muối cơ thể bé cần đã có đủ sẵn trong thức ăn. Nếu bé quá khó tính, mẹ có thể nêm một chút nước mắm. Nhưng chắc là sẽ không cần thiết, vì nếu mẹ đổi bữa cho bé đa dạng, bé được thay đổi khẩu vị liên tục, được làm quen với nhiều loại thức ăn bé sẽ không bao giờ chán đâu. Nếu vẫn chưa yên tâm, thi thoảng mẹ có thể luộc nước ngô, nước mía dùng làm nước dùng nấu cháo cho bé.
Trong ăn dặm kiểu Nhật, người Nhật thường không có thói quen thêm dầu ăn vào món ăn dặm của bé. Sở dĩ có thói quen này vì người Nhật rất hay ăn đậu phụ và họ cho rằng lượng dầu có trong đậu phụ là quá đủ đối với bé. Dù vậy, mẹ vẫn có thể nêm 1/2 thìa dầu ăn nhỏ vào cháo của bé trước khi cho bé ăn. Các loại dầu như dầu oliu nguyên chất, dầu dừa nguyên chất, dầu gấc, dầu hướng dương, dầu quả bơ đều rất tốt cho não bộ của bé.
Giai đoạn này bé bắt đầu ăn thô và ăn nhiều bữa hơn, vì vậy bên cạnh lượng sữa bổ sung hàng ngày cho bé, mẹ cần cho bé uống thêm nước. Lượng nước cho bé uống được khuyến nghị là không quá 150ml/ngày.
Một số công thức món ăn bổ dưỡng cho bé
Sau đây là một số món cháo và rau củ nghiền mẹ có thể làm cho bé ăn. Các món này có thể thay thế vào bữa chính, bữa phụ nếu bé quá chán với những món cháo thông thường. Khi bé đang gặp vấn đề về tiêu hóa, mẹ nên cho bé ăn cháo rau, cháo đậu đỏ, đậu xanh để ổn định đường ruột của bé.
Cháo cá hồi rong biển