Trong đời sống hàng ngày, chúng ta rất dễ bị những cơn đau ảnh hưởng đến sức khỏe. May mắn thay, có những loại thực phẩm vừa ngon miệng vừa có tác dụng như thuốc giảm đau, giúp chúng ta khỏe mạnh lại không gây tác dụng phụ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu vấn đề này.
-
1
Thực phẩm chứa nhiều chất béo omega-3
Nghiên cứu của Đại học Pittsburgh ở những bệnh nhân thường xuyên bị hành hạ bởi những cơn đau cổ và lưng cho thấy: 60% số bệnh nhân đã giảm được đáng kể cơn đau và mức độ đau sau 3 tháng được cho ăn những thực phẩm giàu axit béo omega-3 – một chất có nhiều trong cá ngừ, cá hồi, cá kiếm, cá trích… Chất omega-3 trong cá là tốt nhất, cho nên các bệnh nhân này cần ăn cá ít nhất 3 lần/tuần.
Những nghiên cứu khác cũng cho thấy: dầu cá có tác dụng chống viêm. Ngoài các loại cá thì những thực phẩm giàu chất béo omega-3 gồm: hạt hướng dương, hạt vừng, hạt điều, hạt lanh.
Cam, nho và trái cây chứa nhiều chất chống ôxy hóa giúp giảm viêm đau khớp, dạ dày…
-
2
Thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa
Có nhiều loại thực phẩm giàu chất chống ôxy hóa, chúng tôi xin giới thiệu những thứ dễ mua, dễ sử dụng.
Cam: Nghiên cứu của Đại học Manchester, Anh bằng cách phân tích chế độ ăn của hơn 25.000 người đã phát hiện: những người có nhiều beta-cryptoxanthin trong chế độ ăn chắc chắn ít bị mắc bệnh viêm khớp và giảm được các cơn đau hơn người khác. Chất này có nhiều trong quả cam, vì vậy, một nghiên cứu xuất bản trên Tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ cho biết: chỉ cần uống một tuần vài cốc nước cam ép cũng đủ tạo nên sự khác biệt. Nhóm nghiên cứu khuyên rằng, những người bị đau trong người hoặc viêm khớp mà thường xuyên đau nhức thì nên uống nước cam hằng ngày.
Nho: Chất resveratrol có trong vỏ quả nho, nhất là nho màu đỏ có thể ngăn chặn được enzym cyclooxygenase (COX). Chất resveratrol trong nho làm cản trở COX-2 gây viêm và đau, nhưng khác thuốc giảm đau là nó không cản trở COX-1, loại enzym hỗ trợ làm lành vết thương ở dạ dày.
Dâu tây:Nghiên cứu của Trường cao đẳng dinh dưỡng Hoa Kỳ cho biết: quả dâu tây có thể làm giảm chứng viêm và đau nhờ chất resveratrol giàu có trong dâu tây.
Trên thực tế, những người ăn nhiều dâu tây giảm được đáng kể cơn đau. Ngoài ra, măng tây, súp lơ, cải bắp, cà chua, lê, bưởi, cam, đào, dưa hấu đều giàu chất chống ôxy hóa glutathione. Nhiều nghiên cứu cho thấy: chất glutathione hạ thấp nguy cơ mắc bệnh viêm khớp.
Lạc và vừng:Trong lạc, vừng và hạt hướng dương chứa nhiều chất tryptophan. Nghiên cứu của các nhà khoa học phát hiện thấy tryptophan có khả năng giảm được sự nhạy cảm của cơn đau khoảng 1 giờ sau khi được hấp thu vào cơ thể. Do đó, ăn lạc và vừng có thể thay thế thuốc giảm đau mà không gây tác dụng phụ. Các thực phẩm giàu tryptophan khác là: sữa, sữa đậu nành, đậu phụ, gạo…
-
3
Thực phẩm giàu flavanoid
Chất flavanoid tạo nên màu sắc của trái cây và rau củ là thành phần chủ chốt trong việc ngăn chặn bệnh nhờ làm chậm quá trình lão hóa, yếu tố dẫn đến cơn đau. Vì vậy, ăn thực phẩm chứa nhiều chất này như: táo, trà xanh, hành, tỏi, đậu tương… góp phần ngăn chặn vết đau trên cơ thể.
Thực phẩm có tác dụng giảm đau khác
Táo: có chứa nhiều chất baron, một loại khoáng chất giúp làm giảm sự phát triển bệnh viêm khớp xương mạn tính. Khi cho những người bị thương sử dụng baron thì cơn đau của họ cũng giảm.
Ớt: là loại quả có chứa nhiều capsaicin – thành phần giúp ớt có vị cay nóng. Nhờ nó mà ớt có thể giúp giảm được các cơn đau bằng cách kích thích sức đề kháng của một số tế bào thần kinh. Nghiên cứu của các nhà khoa học ở Trường King’s College, London, Anh cho biết: những người viêm khớp mà thường xuyên ăn ớt sẽ giảm được đáng kể các cơn đau. Ngày nay, nhiều hãng dược phẩm đã sử dụng capsaicin trong ớt để làm kem bôi, cao dán giảm đau.
Tỏi: Nhiều nghiên cứu cho biết: chất sulphur (chất tạo mùi hăng trong tỏi) có thể giảm được các cơn đau ở bệnh lao phổi và viêm khớp. Các nghiên cứu khác thì cho thấy hợp chất dialyl disulphide trong tỏi có tác dụng ngăn chặn enzym bị phá hủy, điều này cũng giúp giảm bớt các cơn đau cho người ăn tỏi.
Gừng: giúp làm giảm nồng độ prostaglandin gây đau trong cơ thể. Do đó, gừng từ lâu đã được sử dụng rộng rãi ở Ấn Độ để điều trị đau và viêm. Nghiên cứu của các nhà khoa học Ấn Độ phát hiện thấy: cho những người bị đau cơ sử dụng gừng đã giảm đau đáng kể với liều lượng dùng gừng mỗi ngày từ 500-1.000mg.
Cần tây: Nghiên cứu của TS. James Duke về Dược phẩm xanh (những loại rau xanh có tác dụng chữa bệnh như thuốc) đã phát hiện hơn 20 hợp chất chống viêm ở trong rau và hạt cần tây, trong đó có hợp chất apigenin là chất có tác dụng giảm đau và viêm rất mạnh. Như vậy, chúng ta có thể sử dụng rau cần tây để xào nấu và dùng hạt cần tây để cho vào súp, hầm với thịt…, ăn vừa ngon vừa khỏe.