Phần lớn các bé đều có biểu hiện khóc nhiều hơn khi bị đau bụng. Nghiên cứu cho thấy, các bé bị đau bụng thường khóc nhiều hơn ba tiếng mỗi ngày và ít nhất 3 lần/tuần. Một số triệu chứng khác như cong chân, co cơ bụng hoặc nắm chặt bàn tay… cũng cho thấy sự khó chịu của bé do hệ tiêu hóa.
Dưới đây là những loại thực phẩm mẹ nên tránh
Các sản phẩm từ sữa
Các sản phẩm từ sữa bị coi là một trong số “nghi phạm” khiến bé bị đau bụng. Vì vậy, mẹ nên dừng ăn các thực phẩm từ sữa như sữa bò, phô mai và sữa chua. Protein có trong sữa bò lưu trữ được vài tuần trong sữa mẹ nên các mẹ có thể phải kiên trì chờ đợi và tránh sử dụng loại sữa này trong một thời gian khi bé có dấu hiệu đau bụng.
Một số loại rau củ
Rau là loại thực phẩm không thể thiếu trong chế độ ăn uống hàng ngày của mẹ. Tuy nhiên, việc mẹ ăn một số loại rau củ có thể làm bụng bé khó chịu, đầy hơi, khó tiêu. Một số loại rau củ mẹ nên tránh gồm ớt xanh, cà chua, bắp cải, bông cải xanh và súp lơ. Ngoài ra, ngô hay hành cũng là một trong số thực phẩm mẹ nên hạn chế trong thời gian cho con bú.
Trái cây có múi
Trái cây là nguồn cung cấp vitamin dồi dào cho các mẹ đang nuôi con bú. Tuy nhiên, các loại trái cây có múi và chua như cam, chanh, quýt có thể làm bé bị chướng bụng, nôn trớ… Ngoài việc tránh ăn các loại hoa quả này, mẹ cũng không nên uống nước ép của chúng bởi trong đó vẫn chứa một lượng axit nhất định. Để cơ thể vẫn có được lượng vitamin C cần thiết, mẹ có thể thay thế những loại trái cây trên bằng một số loại hoa quả khác như đu đủ hay xoài..
Các loại hạt và lúa mì
Một số loại hạt hay các sản phẩm từ lúa mỳ (mỳ, bánh mỳ…) cũng có thể gây ra dị ứng đối với hệ tiêu hóa của bé.
Các chất kích thích
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mẹ không nên ăn những thực phẩm hay đồ uống có chứa chất kích thích như trà, cà phê, đồ ăn cay, sô cô la và rượu bởi chúng tác động không tốt tới hệ tiêu hóa của bé.
Gia vị cay
Khi mẹ ăn những loại gia vị như quế, hành, tỏi, ớt…, nguồn hương liệu này sẽ được chuyển hóa và gián tiếp hấp thu qua sữa mẹ. Những nguyên liệu này có vị cay sẽ khiến dạ dày của bé khó chịu và gây ra đau bụng. Để tránh cho bé bị những triệu chứng như tiêu chảy, nôn mửa, mẹ nên hạn chế những loại thực phẩm này.
Các lưu ý khác:
Khi bé có hiện tượng đau bụng, ngoài việc tránh ăn những thực phẩm kể trên, mẹ có thể áp dụng những cách khác để hạn chế hiện tượng rối loạn tiêu hóa ở trẻ. Ví dụ, mẹ có thể bế và đu đưa bé nhẹ nhàng kết hợp với những lời hát ru, đặt một chiếc khăn ấm lên bụng bé để giảm bớt sự khó chịu hoặc cho bé ngậm núm vú giả.
Nếu không thực sự chắc chắn về nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng của bé, mẹ nên nhờ tới sự trợ giúp của các y bác sỹ có kinh nghiệm để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Nguồn: Theo Thanh Niên
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.