Nếu không muốn có thai ngoài kế hoạch, sử dụng các biện pháp tránh thai là cách phổ biến và hiệu quả nhất. Hiện có rất nhiều phương pháp tránh thai như: bao cao su, viên uống tránh thai hàng ngày hay khẩn cấp, tính ngày rụng trứng… và thuốc tiêm tránh thai (Depo – Provera) là một trong số đó. Depo-provera là thuốc tổng hợp tương tự progesterone, một nội tiết tố bình thường được sản xuất bởi buồng trứng trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
Hiện nay, thuốc tiêm tránh thai được nhiều chị em phụ nữ tin dùng. Tuy nhiên, không ít chị em vẫn chưa có hiểu biết đúng về công dụng cũng như tác dụng phụ của thuốc. Dưới đây là một số kiến thức cơ bản, chị em cần biết.
Tác dụng của thuốc tiêm tránh thai?
Depo-provera chỉ có tác dụng ngừa thai trong vòng 3 tháng. Sau khi ngừng sử dụng Depo-provera, chức năng phóng noãn buồng trứng sẽ phục hồi trở lại bình thường trong thời gian ngắn.
Thuốc có hiệu quả với 99% phụ nữ sử dụng. Tuy nhiên, nó không có tác dụng ngăn ngừa bệnh tình dục. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của chính mình, khi “yêu” chị em nên sử dụng thêm bao cao su nam hoặc nữ.
Depo-provera chỉ có tác dụng ngừa thai trong vòng 3 tháng (Ảnh: Webmd).
Ưu và nhược điểm của thuốc tiêm tránh thai?
Bên cạnh những ưu điểm vượt trội, thuốc tiêm tránh thai không ít nhược điểm.
Ưu điểm
+ Không cần phải nhớ thời gian uống thuốc mỗi ngày hoặc dùng trước khi “yêu”.
+ Bảo đảm không dính bầu trong 3 tháng.
+ Không ảnh hưởng đến chuyện phòng the.
+ Hiệu quả với 99% chị em sử dụng.
+ Rẻ hơn so với thuốc tránh thai hàng ngày.
|
Nhược điểm
+ Có thể gây một số tác dụng phụ nguy hại sức khỏe không mong muốn.
+ Không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
+ Là “thủ phạm” khiến kinh nguyệt không đều.
+ Nếu muốn có thai, bạn cần ngừng tiêm thuốc trước tối thiểu 3 tháng.
|
Ai không được dùng thuốc tiêm tránh thai?
Hầu hết phụ nữ đều có thể sử dụng thuốc tiêm tránh thai nếu không muốn có con ngoài ý muốn. Tuy nhiên, nếu chị em nào rơi vào một trong số trường hợp dưới đây, tốt nhất không nên sử dụng:
+ Ung thư vú.
+ Âm đạo ra máu bất thường.
+ Mắc bệnh gan.
+ Có và đang dùng thuốc chữa động kinh (kể cả trường hợp có cơn co giật chưa xác định).
+ Bị và đang dùng thuốc chữa lao.
+ Đang bị bệnh tim mạch (thiếu máu cục bộ), tăng huyết áp.
+ Bị trầm cảm, nhức đầu do các nguyên nhân khác nhau (như thiên đầu thống).
+ Bị bệnh gan mật (kể cả vàng mắt vàng da chưa xác định được).
+ Bị các bệnh làm suy giảm miễn dịch (như nhiễm HIV).
+ Bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
+ Tiền sử bị huyết khối (viêm tĩnh mạch) hay đột quỵ
+ Nghi ngờ hoặc đã biết có thai.
+ Dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc tiêm tránh thai?
Bên cạnh nhiều tác dụng có lợi, thuốc cũng dễ gây ra một số “bệnh” cho chị em, như:
+ Kinh nguyệt bất thường.
+ Đau đầu.
+ Lo lắng, bồn chồn.
+ Chóng mặt, buồn nôn.
+ Trầm cảm.
+ Tăng cân, rụng tóc.
+ Mụn trứng cá.
+ Giảm cảm giác ngon miệng.
+ Làm giảm độ kết dính của xương, gây loãng xương nữ ở bất cứ độ tuổi nào, thường xảy ra nhanh và tồi tệ khi dùng kéo dài quá 2 năm.
Nhìn chung, hầu hết phụ nữ sẽ có một vài thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt khi sử dụng thuốc tiêm tránh thai (Depo-provera), bao gồm: ra máu bất thường, ra máu thấm giọt rải rác, tăng hoặc giảm lượng máu kinh hay không hành kinh… Sau 1 năm sử dụng, khoảng 50% phụ nữ không có hành kinh. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng về dấu hiệu này vì nó không ảnh hưởng đến sức khỏe và chu kỳ kinh sẽ bình thường trở lại khi ngưng dùng thuốc.
Lưu ý: Nếu ra máu nhiều hoặc ra máu bất thường kéo dài thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Không nên sử dụng Depo-provera quá 2 năm trừ khi không còn biện pháp ngừa thai nào phù hợp. Sử dụng Depo-provera có thể là nguyên nhân gây giảm dự trữ Canxi ở xương gây loãng xương. Thời gian sử dụng càng dài, càng mất thêm nhiều Canxi. Nồng độ Canxi có thể không phục hồi trở lại hoàn toàn ngay sau khi ngưng sử dụng.
Có thể mang thai ngay sau khi dừng tiêm thuốc?
Với thuốc tiêm tránh thai, chị em có thể dính bầu ngay sau 3 đến 4 tháng sau lần tiêm cuối cùng. Tuy nhiên, cũng có những chị em phải 1-2 năm sau mới có thai. Nếu chị em rơi vào trường hợp này thì “thủ phạm” chắc chắn không phải do thuốc. Việc cần làm ngay và luôn là đi khám phụ khoa để tìm ra nguyên nhân chính xác.
*** Thông tin trong bài đã được Tiến sĩ y khoa Kimball Johnson hiệu đính.
Vân Đặng
(Theo Webmd)
Mời bạn tìm hiểu chi tiết từng biện pháp tránh thai qua loạt bài viết tiếp theo:
1. Thắt ống dẫn tinh
2. Thắt ống dẫn trứng
3. Que cấy tránh thai
|
Nguồn:
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.