Một nhiếp ảnh gia chụp được bức ảnh tia sét màu tím kỳ lạ phóng ra từ trên đỉnh đám mây giông ở Australia.
Nhiếp ảnh gia Jeff Miles ghi lại hình ảnh tia sét màu tím trên đỉnh một đám mây ở gần thị trấn nhỏ Pilbara, phía tây Australia, hôm 28/3, theo Sun. Tia sét có màu sắc nổi bật trên nền trời xanh thẫm đang chuyển về đêm.
Tia sét màu tím kỳ lạ phóng ra từ trên đỉnh đám mây. (Ảnh: Jeff Miles).
Hiện tượng hiếm gặp trên được gọi là sét tầng điện ly (ionospheric lightning). Loại sét này thường hình thành ở những đám mây giông gây ra mưa lớn, và nó có độ cao lớn hơn nhiều so với sét thông thường.
“Những tia sét tầng điện ly khổng lồ chỉ được chụp bằng máy ảnh vài lần, và đêm nay tôi đã may mắn nhìn thấy 6 tia sét”, Miles nói.
Bầu khí quyển của Trái Đất vẫn còn chứa đựng nhiều điều bí ẩn. Một số hiện tượng tự nhiên diễn ra ở đây kỳ lạ đến mức nhiều nhà khoa học thậm chí không chắc chắn chúng tồn tại.
Sét tầng điện ly thường xuất hiện ở những đám mây gây ra nhiều mưa. (Ảnh: Jeff Miles).
Đầu năm nay, một phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) quay được đoạn phim về sét dị hình màu đỏ (red sprite) và sét dị hình màu xanh (blue jet) trong bầu khí quyển Trái Đất.
Andreas Mogensen, nhà vũ trụ người Đan Mạch, sử dụng camera siêu nhạy của Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã ghi lại những chớp sáng màu xanh rộng hàng km phía trên một cơn giông bão ở vịnh Biscay.
Theo VnExpress