Tiết canh dơi: Đừng chủ quan với “tử thần”

Tiết canh dơi: Đừng chủ quan với 'tử thần'
Mới đây, ông Minh (thị trấn Phước Long, Bạc Liêu) tử vong sau khi ăn tiết canh dơi. Trước khi xảy ra cái chết, ông Minh đã làm thịt dơi để nhậu cùng mất người hàng xóm. Nhưng khi vừa uống được vài ly rượu, ăn tiết canh dơi, ông Minh bị đau bụng dữ dội, tiêu chảy và gục ở nhà vệ sinh. Sau đó, ông được đưa vào bệnh viện để cấp cứu nhưng không qua khỏi. Ông Minh từng làm giám đốc Sở ở Bạc Liêu.
Tuy nhiên, đến nay nguyên nhân cái chết của ông Minh cũng chưa ai khẳng định được có phải do thịt dơi hay không. Một số ý kiến nói có thể do vi khuẩn đường ruột tích tụ lâu ngày bên trong hệ tiêu hóa khi ăn tiết canh chưa được nấu chín sẽ gây bệnh và dẫn đến tử vong.
Tiết canh là món ăn nguy hiểm
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Tiến Minh (Chuyên khoa Truyền Nhiễm) cho biết, tiết canh nhìn chung là món ăn không an toàn. Trong ẩm thực, nhiều người vẫn ăn, coi đó là khoái khẩu. Nhưng khi chưa được đun nấu đến độ chín thì thực phẩm vẫn có thể chứa những virus, vi khuẩn và ngay cả mầm bệnh khó nhìn thấy bằng mắt thường. 
Tiết canh dơi: Đừng chủ quan với 'tử thần'

 

“Không riêng gì tiết canh dơi mà tiết canh như lợn, vịt, dê…đều là món ăn cần tránh. Bởi, chúng tôi đã ghi nhận nhiều bệnh nhân nhập viện với tình trạng nguy kịch như liên cầu lợn, nhiễm khuẩn dẫn đến suy hô hấp, suy đa tạng. Món ăn an toàn cần được chế biến và nấu chín đến ngưỡng 100 độ C, còn không ai nói được qua chế biến bằng tay mà tiết canh đã chín. Có người suy nghĩ cho nước mắm, ớt cay, tiêu hay gia vị có thể giúp chín là sai lầm hoàn toàn. Đó là gia vị hỗ trợ khiến mất cảm giác tanh của máu động vật mà thôi”, bác sĩ Minh nói.
Cụ thể với món tiết canh dơi, bác sĩ Minh cho rằng, ăn tiết canh dơi tức là ăn máu sống vào người. Trong máu sống vẫn chứa những vi khuẩn nguy hiểm có thể gây bệnh. Nhẹ có thể chỉ là đau bụng, tiêu chảy, nặng hơn có thể là ngộ độc, viêm màng não, xuất huyết bên trong…dẫn đến tử vong.
“Dơi là loài vật sống trong tự nhiên, chúng ăn côn trùng, muỗi hay các loài cây cỏ dại không rõ nguồn gốc. Thậm chí có những loài vật độc hại, khi vào cơ thể dơi mà quá trình làm chưa được sạch sẽ có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc với người làm và người ăn”, bác sĩ Minh cho biết.
Dơi làm thực phẩm?
Còn PGS – TS Nguyễn Duy Thịnh (Chuyên gia về thực phẩm) cho rằng, dơi là loài vật thân thiện với con người. Nhưng có tác dụng trong lĩnh vực nông nghiệp hơn là chế biến làm thức ăn. Bản thân chuyên gia này cũng hiếm khi thấy ai bán hay chế biến thịt dơi.
“Bản thân dơi là loài vật sống trong tự nhiên, hiếm khi dùng làm thực phẩm nên khi ăn, chế biến đều phải rất thận trọng, tuyệt đối không ăn sống hay ăn tiết canh như trường hợp nói ở trên”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Trong khi đó giáo viên sinh học Nguyễn Thành cho biết, đến nay chưa có bất cứ tài liệu nào khẳng định về giá trị dinh dưỡng của thịt dơi hay ăn là tốt hay không. Nhưng dơi là loài vật trung gian lây truyền bệnh trong đó đáng lo là H5N1 – cúm gia cầm. Do vậy, người dân phải hết sức cảnh giác, không ăn hay chế biến thịt loại động vật này.
Theo Đông Y, đến nay mới chỉ có phân dơi được dùng làm thuốc. Nhưng việc sử dụng phân dơi vẫn phải tuân theo ý kiến của bác sĩ. Không nên nghe lời truyền tai dùng các bộ phận trên cơ thể dơi để làm thuốc. Công dụng của phân dơi làm thuốc trị mụn, trị mờ mắt hay một số bệnh khác.
Mùa đông nhất là dịp cận Tết sẽ có nhiều tiệc tùng, đình đám. Tuy nhiên, bản thân mỗi người phải nâng cao cảnh giác với những căn bệnh do đường ăn uống. Trong đó nói không với những món ăn như tiết canh, chạo, thịt chưa được nấu chín, bò tái…
Đọc thêm những vụ việc liên quan đến tiết canh
  • Cảnh báo những cuộc nhậu nguy hiểm với tiết canh lợn
  • 12 người ngộ độc vì ăn thịt, uống tiết canh trăn chín lỗ mũi
  • Họa vào từ miệng: Chết vì ăn tiết canh

 

Nguồn:

Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.