Tiểu hành tinh thách thức mọi định luật về trọng lực

Tiểu hành tinh thách thức mọi định luật về trọng lực

Một tiểu hành tinh khổng lồ có quỹ đạo đặc biệt gần với Trái đất trên thực tế lại là một sự kết hợp bất thường của những mẩu đá vụn, xoay nhanh với tốc độ kỷ lục.

Điều bất ngờ ở đây là một cấu trúc tưởng chừng rời rạc như vậy vẫn tiếp tục kết dính với nhau như một khối thống nhất khi bay trong không gian, một thực tế mà đến nay giới vật lý học thiên thể vẫn chưa tìm được lời giải.

1950 DA đã đột ngột nổi tiếng vào năm 2002, khi giới thiên văn học tuyên bố rằng xác suất tiểu hành tinh có bề ngang 1,3km đâm vào Trái đất rơi vào khoảng 1:300 vào năm 2880. Sau đó, con số này được điều chỉnh xuống thành 1:19.800. Dù vậy, chỉ cần lướt sát Trát đất, nó có thể gây ra thảm họa khủng khiếp cho hành tinh chúng ta.

Tiểu hành tinh thách thức mọi định luật về trọng lực
Ảnh: neo.jpl.nasa.gov

Với quỹ đạo 2,2 năm quanh mặt trời, 1950 DA được liệt vào dạng tiểu hành tinh di chuyển khá nhanh, và xoay quanh trục mỗi 2,1 giờ, nhanh hơn giới hạn của lực ly tâm dùng để kết dính các mảnh vụn thành một tiểu hành tinh. Tuy nhiên, 1950 DA vẫn không bị xé toạc bất chấp vận tốc xoay cực nhanh trong không gian.

Giờ đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Tennessee (Mỹ) đưa ra giả thuyết mới để giải thích tình trạng của tiểu hành tinh 1950 DA, theo đó họ cho rằng, các mẩu của thiên thể này được gắn chặt bằng lực van de Waals, lực kết dính chưa từng được phát hiện ở tiểu hành tinh.

Khi phân tích các hình ảnh nhiệt và mô hình quỹ đạo, chuyên gia Ben Rozitis của Đại học Tennessee và đồng sự giả thuyết rằng chu trình quay của 1950 DA nhanh đến nỗi khiến vùng xích đạo của nó bị trọng lực âm, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature vào ngày 14/8.

Việc hiểu rõ kết cấu của tiểu hành tinh như 1950 DA có thể giúp các chuyên gia Trái đất tìm được phương pháp vô hiệu hóa mối đe dọa từ các “sát thủ” tiềm tàng của địa cầu.

 

Theo Thanh Niên