Tiêu hủy động vật chết dịch bằng… phân

Tiêu hủy động vật chết dịch bằng... phân

Bằng việc xây các thùng chứa phân trộn và dùng khí thải bốc lên từ đây để làm rã xương động vật, các nhà nghiên cứu Canada và Mỹ hy vọng tìm ra giải pháp tiêu hủy hoàn toàn xác động vật chết dịch.

Các nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp và Nông lương thực Lethbridge, Canada (AAC) hợp tác với Trung tâm Thanh tra thực phẩm (Bộ Nông nghiệp, lương thực và phát triển nông thôn Canada) và Đại học bang Iowa (Mỹ) đang tiến hành đánh giá khả năng phân có thể trở thành công cụ dùng để tiêu hủy xương động vật.

Trước kia, xác động vật bị bệnh dịch thường được chôn lấp hoặc thiêu hủy. Tiêu hủy bằng cách này không thể diệt tận gốc bệnh dịch, vì xương có thể vẫn còn tồn tại trong đất. Hơn nữa, chi phí vận chuyển xác động vật đến một nơi khác thích hợp để tiêu hủy ngày càng cao và còn làm gia tăng nguy cơ lây lan dịch.

Tiêu hủy động vật chết dịch bằng... phân

“Không còn ADN” là chỉ số đánh giá việc tiêu hủy thành công xương động vật. (Ảnh: Techno-science

Các nhà khoa học hiện đang nghiên cứu những phương pháp cho phép xác định các tác nhân gây bệnh còn tồn tại trong phân động vật, sau đó đưa vào thí nghiệm trên những công cụ nghiên cứu mới. Họ đã cho xây những thùng chứa phân trộn có kết cấu bên trong bằng chất dẻo, đảm bảo cất trữ phân trong điều kiện rất tốt tại Trung tâm Nghiên cứu Lethbridge. Còn xương động vật được đựng trong những ổ bằng rơm, bên dưới có đặt ống thông gió.

Các nhiệt kế và rất nhiều thiết bị được vùi lấp trong phân để giám sát toàn bộ quá trình thí nghiệm, cũng như lấy các mẫu thí nghiệm.

Rất nhiều thí nghiệm đã được tiến hành, một trong các mục đích là tìm xem còn tồn tại ADN của loài bò hay không. Điều này cũng giúp khẳng định, có thể tiêu hủy được xương bò trong quá trình thí nghiệm. Việc không còn thấy ADN là một chỉ số đánh giá đã tiêu hủy hoàn toàn xương động vật. Khí thải bốc lên từ phân chính là yếu tố quan trọng góp phần tiêu hủy xương. Các nhà nghiên cứu đã phân tích khí này bằng phương pháp khối phổ.

Trong tương lai, các nhà nghiên cứu còn phải hoàn thiện những phương pháp kĩ thuật cho phép xác định được những virus gây bệnh trong phân, nghiên cứu đánh giá toàn bộ hỗn hợp những thức ăn đã được tiêu hóa và thải ra trong phân, điều kiện an toàn vệ sinh của phân thải, và chuẩn bị trang thiết bị đào tạo các nhóm công tác trong trường hợp bùng phát dịch bệnh.

 

Theo Ngọc Hà – VietNamNet (techno-science)