Thời tiết thay đổi là nguyên nhân chính dẫn đến các bệnh về đường hô hấp của trẻ. Để giúp trẻ phòng chống được các bệnh hô hấp như viêm họng, viêm mũi, sổ mũi, viêm phế quản… hiểu được đặc điểm của hệ hô hấp trẻ em cũng là một giải pháp.
Hiểu được đặc điểm hệ hô hấp của trẻ em sẽ giúp cha mẹ biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm để giữ cho sức khỏe của con cái mình một cách tốt nhất. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bậc cha mẹ đặc điểm hệ hô hấp ở trẻ em.
Hệ hô hấp của trẻ chưa phát triển nên dễ mắc bệnh về đường hô hấp
Mũi
Với trẻ nhỏ, khoang hầu và mũi khá ngắn, ống mũi và lỗ mũi khá nhỏ và hẹp nên sự hô hấp bằng đường mũi còn nhiều hạn chế. Niêm mạc mũi của trẻ còn mỏng, mịn nên khá yếu, khả năng sát trùng với niêm dịch còn kém nên dễ dẫn đến viêm nhiễm mũi họng.
Đến 5 tuổi, tổ chức niêm mạc mũi phát triển hoàn thiện hơn, tổ chức hang và cuộn mạch theo đó phát triển và dễ dẫn đến chảy máu cam khi bị va đập. Các xoang mũi của trẻ xuất hiện từ từ cùng với sự lớn lên của cơ thể. Về các xoang hàm, đến khi trẻ 2 tuổi mới phát triển nhưng tế bào chưa biệt hóa đầy đủ, vì vậy trẻ nhỏ ít khi bị viêm xoang.
Họng hầu
Họng hầu là bộ phận trực tiếp nối với các khoang mũi. Họng hầu của trẻ khá ngắn và có hướng thẳng đứng. Họng hầu của trẻ có hình phễu, sụn khá mềm. Họng phát triển mạnh nhất trong những năm đầu và khi trẻ bước vào tuổi dậy thì. Niêm mạc họng được lớp biểu mô rung hình trụ phủ kín. Trẻ dưới 1 tuổi chỉ có VA xuất hiện, khi VA bị viêm sẽ gây ra phù nề vùng họng và gây tắc mũi khiến trẻ phải thở bằng miệng. Khi thở bằng miệng, không khí sẽ không được sưởi ấm, số lượng trao đổi ít và gây rối loạn toàn thân như kém phát triển lồng ngực…
Thanh, khí, phế quản
Thanh quản có dạng hình phễu mở rộng ở phía trên. Trẻ dưới 7 tuổi, thanh môn hẹp và sợi dây thanh đới ngắn, do đó giọng của trẻ khá cao. Lớn hơn, thanh đới dài hơn nên giọng sẽ có xu hướng trầm hơn.
Khí quản có niêm mạc nhẵn, mạch máu tập trung nhiều và khô bởi tuyến niêm mạc ở trẻ chưa phát triển mạnh. Sụn của khí quản khá mềm, dễ co giãn.
Phế quản có nhánh bên phải rộng hơn bên trái nên dị vật dễ rơi vào và tiếp tục hướng đi của phế quản.
Đặc điểm chung của hệ thanh khí phế quản của trẻ em là chúng tương đối hẹp, độ đàn hồi thấp, vòng sụn mềm nên trẻ rất dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp.
Hiểu về hệ hô hấp giúp phòng được bé ốm
Phổi
Trọng lượng và thể tích của phổi lớn dần theo tuổi. Trọng lượng phổi của trẻ sơ sinh nặng 50-60g, khi trẻ 6 tháng phổi nặng gấp 3 lần và đến 12 tuổi gấp 20 lần. Thể tích phổi của trẻ sơ sinh là 65ml, đến 12 tuổi nó sẽ gấp 10 lần.
Phổi của trẻ em có nhiều mạch máu, nhiều cơ trơn, độ đàn hồi kém. Các cơ hô hấp chưa phát triển hoàn thiện nên phổi của trẻ dễ bị xuất huyết, xẹp phổi, khí phế thủng.
Lồng ngực của trẻ
Với trẻ sơ sinh,lồng ngực tương đối ngắn. Lồng ngực có hình trụ, đường kích thước- sau hầu bằng đường kính ngang. Xương sườn nằm thẳng góc với cột sống, chưa phát triển đầy đủ. Bởi vậy khi trẻ hít vào thì lồng ngực không mấy thay đổi.
Các đặc điểm sinh lý
Nhịp thở
Với trẻ đẻ non tháng, nhịp thở rất yếu và khóc yếu làm cho phổi không giãn ra hết, điều này dẫn đến mềm phổi và xẹp phổi. Với trẻ sơ sinh, trung tâm hô hấp chưa phát triển hoàn thiện nên nhịp thở dễ bị rối loạn, lúc thở nhanh thở chậm. Ở trẻ, do thở nông nên tần số thở ở trẻ phải cao hơn người lớn để cung cấp đủ oxy cho phổi.
Kiểu thở
Ở trẻ sơ sinh chỉ thở bằng mũi và bụng, nhịp thở của trẻ không đều.Khi trẻ bú mẹ, trẻ thở bằng mũi cho đến 18 tháng, trẻ có thể thở bằng miệng và kiểu thở hỗn hợp ngực, bụng, nhịp thở của trẻ đều hơn.
Quá trình trao đổi khí
Sự trao đổi khí ở phổi của trẻ em mạnh hơn so với người lớn, cơ thể hấp thụ khí oxy trong cùng 1 đơn vị thời gian ở trẻ là nhiều hơn người lớn.
Điều hòa hô hấp
Về cơ chế điều hòa hô hấp ở trẻ cũng giống như người lớn. Trong mấy tháng đầu, vỏ não và trung tâm hô hấp chưa được phát triển hoàn thiện nên rối loạn nhịp thở rất dễ xảy ra.
Bài viết được thành viên sưu tầm và đăng tại:
ChaMeCuaCon.com – Trang web chia sẻ kinh nghiệm về sức khỏe và làm đẹp.