Tìm ra nấm và côn trùng để diệt cây có hại

Sự hoành hành của cây chút chít trên nước Anh sẽ chấm dứt nhờ một loài côn trùng và nấm tới từ Nhật Bản.

Chút chít Nhật Bản là thực vật xâm lấn có chiều cao 3-4 mét, lá đẹp và chùm hoa trắng. Chúng thường được trồng để làm đẹp nhà cửa, trang trại. Loài cây này lớn rất nhanh (có thể đạt chiều cao 4 mét trong 4 tháng) và có tốc độ lây lan khủng khiếp.

Từ thập niên 40 của thế kỷ 19, một số người xứ Wales đem chút chít về trồng để làm cây cảnh, nhưng chẳng bao lâu giống cây này đã bành trướng khắp vương quốc Anh. Lớn cực nhanh nhưng rất khó bị tiêu diệt, chúng chiếm đất và tiêu diệt các loại cây khác khiến năng suất nông nghiệp giảm sút. Ngoài ra, chút chít còn làm suy yếu các công trình xây dựng, tường và đê chống lũ. 

Đến khi người Anh nhận ra chút chít là một hiểm họa thì tình hình đã quá muộn. Việc loại bỏ chút chít không chỉ tốn kém mà còn mất nhiều thời gian, bởi một mẩu rễ chút chít còn sót lại trong đất sẽ biến thành cây to trong vài tháng.

Rận hút nhựa cây Aphalara itadori. (Ảnh: Dailymail)

Mặc dù chút chít tại Anh có xuất xứ từ Nhật Bản, song ở xứ sở hoa anh đào, chúng không có cơ hội bành trướng vì có quá nhiều kẻ thù.

Năm 2000, CABI – một tổ chức nghiên cứu nông nghiệp phi lợi nhuận – cử chuyên gia tới Anh để tìm hiểu những kẻ thù tự nhiên của chút chít.

“Hóa ra có tới 186 loài côn trùng và khoảng 40 loài nấm thích ăn chút chít”, Dick Shaw, trưởng nhóm chuyên gia, nói. 

Dick cùng các cộng sự tiến hành thử nghiệm để tìm ra một loài côn trùng chỉ thích ăn chút chít nhưng không phá hoại các loại cây trồng khác tại Anh. Sau vô số thử nghiệm, vị cứu tinh đã được xác định. Đó là rận hút nhựa cây Aphalara itadori và một loài nấm gây đốm lá thuộc họ Mycosphaerella.

Dự án diệt trừ chút chít bằng rận hút nhựa và nấm gây đốm lá đã được CABI trình lên chính phủ Anh. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần đầu tiên biện pháp kiểm soát sinh học (dùng loài này để khống chế loài khác) được sử dụng ở châu Âu trong cuộc chiến với cỏ dại.

Nấm gây đốm lá. (Ảnh: Dailymail)

Một số người cho rằng việc sử dụng biện pháp kiểm soát sinh học có thể gây nên những hậu quả khó lường.

Vào thập niên 30 của thế kỷ 20, các công ty sản xuất đường của Australia tìm cách khống chế sự phát triển của bọ cánh cứng ăn mía bằng cách nuôi loài ếch mía độc nhập từ Nam Mỹ. Những con vật lưỡng cư chẳng những tiêu diệt bọ cánh cứng mà còn xơi cả những loài côn trùng có ích khác, nhờ đó mà số lượng của chúng tăng lên chóng mặt. Ngày nay, chúng lại trở thành một trong những loài có hại cần phải tiêu diệt. 

Tại Anh, một số trang trại tìm cách diệt rệp vừng bằng bọ rùa cũng gây nên hậu quả tai hại, bởi sự xuất hiện của chúng mở đường cho bọ rùa nhiều màu – một loài côn trùng độc và hung dữ. Nếu như vào năm 2004 người ta mới phát hiện sự xuất hiện của bọ rùa nhiều màu thì tới nay chúng đã có mặt ở khắp xứ sở sương mù với số lượng vào khoảng một tỷ con. Sự bành trướng của chúng đẩy nhiều thực vật và động vật bản xứ vào tình trạng nguy hiểm.

Các nhà khoa học CABI khẳng định rận hút nhựa cây và nấm gây đốm lá không thể trở thành mối họa của Anh. Do chỉ ăn chút chít nên số lượng của chúng sẽ giảm khi loài cây này bị tiêu diệt.

Cây chút chít Nhật Bản (Ảnh: Coldclimategardening)

 

Theo Việt Linh – Vnexpress (Daily Mail)