Tìm ra nguyên nhân thực sự khiến chúng ta sợ nha sĩ

Tìm ra nguyên nhân thực sự khiến chúng ta sợ nha sĩ

Các nhà khoa học Nhật Bản đã đưa ra lời giải thích cho việc nhiều người cảm thấy sợ hãi khi nghe tiếng khoan răng phát ra trong miệng…

Mới đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã giải thích thành công bí ẩn những cơn sợ hãi của nhiều người khi nghe thấy tiếng khoan răng “xè xè” ở trong miệng hay tiếng va chạm leng keng của dụng cụ y khoa.

Tác giả nghiên cứu – Hiroyuki Karibe thuộc ĐH Y Nippon tại Tokyo cho biết: “Là một bác sĩ nha khoa, tôi nhận thấy nhiều bệnh nhân (từ lớn đến bé) đều cảm thấy lo lắng, sợ sệt trước khi tiếng khoan răng vang lên trong miệng họ, hay ngay cả như tiếng dụng cụ nha khoa va vào nhau. Dường như, mỗi khi nghe thấy âm thanh đó, não bộ của họ sẽ tạo ra nhiều phản ứng rõ rệt, khiến họ cảm thấy không thoải mái, căng thẳng”.

Tìm ra nguyên nhân thực sự khiến chúng ta sợ nha sĩ

Làm việc với đồng nghiệp là các bác sĩ tâm thần, Hiroyuki Karibe đã tiến hành khảo sát với 21 phụ nữ và 13 đàn ông trong độ tuổi 19 – 49. Cuộc khảo sát đưa ra 20 câu hỏi chẳng hạn như “Bạn có cảm thấy căng thẳng mỗi khi đến khám răng?”, “Bạn cảm thấy lo lắng như thế nào mỗi khi nghe thấy tiếng khoan răng cứ “xè xè” ở trong miệng?”.

Các tình nguyện viên sẽ trả lời trên thang điểm từ 1- 5: “Không sợ gì cả” (1) cho tới “Sợ rất nhiều” (5). Karibe chia tình nguyện viên thành các nhóm sợ hãi mức cao và thấp theo điểm số của họ trên cuộc khảo sát. Sau đó, ông tiến hành quét não những người tham gia trong khi họ được nghe một loạt âm thanh, bao gồm cả tiếng khoan nha khoa và tiếng của máy hút bụi.

Các chuyên gia nhận thấy, người ở trong nhóm không lo lắng, sợ hãi khi đến việc gặp nha sĩ và nghe thấy âm thanh của những dụng cụ hay tiếng khoan răng, các nếp gấp Gyri thái dương bên trái và phải phản ứng lại nhiều hơn. Điều này có nghĩa, những âm thanh này tác động tới phần thính giác.

Người ở nhóm lo lắng, sợ hãi với âm thanh này lại có sự đột biến mạnh trong hoạt động thính giác của não. Karibe cho biết, ông đã thấy chuỗi phản ứng dữ dội ở khu vực vùng nhân đuôi bên trái (left caudate nucleus) – đóng vai trò quan trọng trong việc học tập và ghi nhớ âm thanh. Việc sợ hãi đó sẽ khiến cho bệnh nhân bị ám ảnh, luôn cảm thấy lo sợ khi đến gặp nha sĩ hay điều trị nha khoa.

Chính vì nỗi sợ hãi này mà nhiều bệnh nhân đã “trốn” không đến khám và điều trị, gây ra nhiều vùng tổn thương nặng nề hơn. Đối với những người mắc chứng bệnh sợ nha khoa nghiêm trọng này, các chuyên gia nên tiến hành những liệu pháp tâm lý như nói chuyện để giảm bớt sự lo lắng, căng thẳng trước khi tiến hành khoan răng.

 

Theo Trí Thức Trẻ