Theo một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Anh, 3 trận đại dịch tả bùng phát trên toàn thế giới trong những năm vừa qua đều xuất phát từ một nơi duy nhất: vịnh Bengal ở Đông bắc Ấn độ dương.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà khoa học đến từ Cambridge, vừa được công bố trên tạp chí Nature, cho thấy bệnh tả lây lan trong vòng 60 năm qua ở Châu Á, Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ đều bắt nguồn từ Bengal, một trong những vịnh lớn nhất thế giới nằm ở Nam Á, thông qua các hành khách trên những chuyến bay đường dài giữa các quốc gia và châu lục.
Bản đồ cho thấy Bengal là ổ dịch tả của toàn thế giới. Căn bệnh lây lan qua các hành khách trên những chuyến bay đường dài giữa các quốc gia, châu lục (Ảnh: BBC)
Bằng cách điều tra những vi khuẩn tả ở cấp độ di truyền, các nhà khoa học đã phát hiện nguồn gốc xuất phát của dịch bệnh. “Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy tất cả các mẫu bệnh phẩm lấy từ 154 bệnh nhân trên toàn thế giới lại bắt nguồn từ một nơi duy nhất là vịnh Bengal”, TS Nick Thomson một trong những tác giả nghiên cứu của Cambridge cho biết.
Mỗi năm trên thế giới có 3 triệu đến 5 triệu người mắc bệnh và khoảng 100.000 đến 150.000 thiệt mạng vì căn bệnh tưởng chừng không khó điều trị này. Bệnh nhân có thể dễ dàng thiệt mạng chỉ trong vòng vài giờ nếu không được cung cấp nước sạch. Đối với những trường hợp nặng nguy cơ tử vong từ 30-50%.
Dịch tả, theo TS Valerie Curties tại trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London, là “một vụ bê bối đáng xấu hổ của thể kỷ 21 bởi dịch bệnh đại diện cho đói nghèo; cơ sở hạ tầng, vệ sinh, nước uống kém”.