Theo nghiên cứu khoa học đầu tiên về tác động cụ thể của con người đối với hiện tượng tan chảy ở các dòng sông băng, các nhà khoa học nhận thấy con người là nguyên nhân chính gây ra hiện tượng này.
>>> Sông băng Nam Cực đang tan nhanh hơn
Hơn 60% hiện tượng băng tan trên thế giới gần đây là hậu quả từ hoạt động của con người.
Theo nghiên cứu công bố ngày 14/8 trên tạp chí Science (Khoa học) của Mỹ, kể từ khi xảy ra hiện tượng tan chảy sông băng đầu tiên năm 1851 đến giữa thế kỷ 20, không có bằng chứng nào cho thấy con người là nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
Từ giữa thế kỷ 20 đến năm 1990, con người là tác nhân gây ra 25% tổng lượng băng tan chảy ở các sông băng và tỷ lệ này tăng lên tới 69% trong thời kỳ từ năm 1991 đến nay, gây quan ngại lớn trong giới nghiên cứu khí hậu thế giới.
Ảnh: Wallpoper
Theo Ben Marzeion, chuyên gia khí hậu tại Đại học Innsbruck (Áo), hiện tượng tan chảy của các dòng sông băng đang ngày một tăng tốc và hoàn toàn có thể kết luận phần lớn nguyên nhân là do hoạt động của con người. Chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ tác động của con người là các dòng sông băng ở Alaska và dãy Alps.
Cũng theo chuyên gia Marzeion, trong hai thập kỷ trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 295 tỷ tấn băng tan do tác động từ con người và khoảng 130 tỷ tấn tan chảy do các nguyên nhân tự nhiên.
Nhà địa vật lý Regine Hock thuộc Đại học Alaska Fairbanks, một thành viên của nhóm nghiên cứu, nhận định sự nhảy vọt từ 25% lên gần 70% là sự gia tăng đáng kể khiến giới chuyên gia lo ngại.
Lượng nước tan chảy từ các dòng sông băng đóng góp 40% trong mỗi inch (2,54cm) nước biển dâng trong mỗi thập kỷ. Con số này sẽ tăng lên nếu tính cả sự tan chảy của các dải băng và hiện tượng giãn nở nước biển do nhiệt độ toàn cầu ấm lên.
Nghiên cứu trên được thực hiện với biên độ sai số khá cao. Cụ thể, mức tác động tối thiểu do con người gây ra có thể chỉ ở mức 45%, hoặc cũng có thể lên tới 93%. Tuy nhiên trong nghiên cứu, các nhà khoa học thường lấy theo mức trung bình.
Khoa học chứng minh có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng tan băng như nhiệt độ Trái Đất tăng lên, phát thải quá nhiều khí nhà kính và những thay đổi trong hoạt động canh tác, sử dụng đất. Đây là quá trình thay đổi kéo dài và rất khó nhận biết ngay lập tức. Vì vậy, nếu không được nghiên cứu và ngăn chặn kịp thời, Trái Đất rất có thể sẽ bước vào giai đoạn đầu của quá trình tan băng cường độ lớn, gây ra những tác động khôn lường cho cuộc sống của người dân và phá hủy những thành quả phát triển mà thế giới đã phải rất nỗ lực mới đạt được.
Theo TTXVN/Vietnam+