Các nhà khoa học vừa tìm thấy một số mảnh vỡ như thủy tinh nằm rải rác ở Argentina, chứa các thành phần hữu cơ của vi sinh vật cổ đại bị bẫy trong lúc thiên thạch va vào Trái đất cách đây hàng triệu năm.
Phát hiện này được giới khoa học đánh giá khá quá trọng về việc nghiên cứu sự sống vi sinh vật có từng tồn tại trên sao Hỏa cổ đại hay không.
Dẫn đầu nghiên cứu là giáo sư Pete Schultz, nhà địa chất học thuộc Đại học Brown, Providence, Rhode Island đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ như thủy tinh nằm rải rác ở khu vực đồng bằng Pampas, Argentina.
Một số mảnh vỡ như thủy tinh nằm rải rác ở Argentina – (Ảnh: BBC News)
Ông cho biết: “Cách đây hàng triệu năm, khi thiên thạch va vào Trái đất đã tạo ra một lượng nhiệt đủ lớn, trong tích tắc có thể làm tan chảy toàn bộ đất đá tại vị trí tác động. Các vật liệu nóng chảy nguội đi, hình thành dạng vật chất như thủy tinh, bẫy các chất hữu cơ thực vật gần đó và một số chất có trên thiên thạch”.
Những mảnh vỡ như thủy tinh phần lớn được tìm thấy trong lớp trầm tích của hoàng thổ, một loại đá được hình thành từ sự tích tụ bụi trong gió. Đa số chúng có niên đại từ 3-9 triệu năm, mảnh vỡ có niên đại cao nhất khoảng 12 triệu năm. Phần lớn các chất hữu cơ của thực vật cổ đại trong đó được bảo quản tốt.
Qua kết quả phân tích, thực vật cổ đại có những đặc tính tương tự một loại cỏ đang sinh sống trong khu vực Pampas hiện nay. Tuy nhiên, ông Simon Clemett và Kathie Thomas-Keprta thuộc phòng thí nghiệm Trung tâm vũ trụ NASA cho biết, các hợp chất hữu cơ của thực vật cổ đại bên trong đó rất tinh tế và phức tạp, bao gồm cả polycyclic aromatic hydrocarbons và một số phân tử khác. Nó có thể chứa các chất oxy hóa của những vi sinh vật khác, không thuộc Trái đất.
Phát hiện lần này đã giúp các nhà khoa học có thêm dấu hiệu trong việc tìm kiếm sự sống cổ đại trên hành tinh Đỏ. Bởi vì có thể bên trong mảnh vỡ thủy tinh vô tình bẫy được một số vi sinh vật có trong thiên thạch rơi xuống Trái đất cách đây hàng triệu năm.
Theo Tuổi Trẻ