Các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy nền văn minh “bị mất” ở phía tây nam Libya. Đó là những lâu đài trên cát của nền văn hóa cổ đại trong sa mạc Sahara.
Các nhà khảo cổ học chia sẻ những bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy hơn một trăm khu định cư, pháo đài nằm ở phía tây nam Libya. Các pháo đài nằm cách thủ đô Tripoli 1.000km về phía nam, được bao quanh bởi những bức tường kiên cố. Dù đã bị gió làm xói mòn chút ít, nó vẫn cao từ 3-4m.
Kiến trúc xây dựng bằng hợp chất gạch bùn bởi
những người bí ẩn Garamantes – (Ảnh: National Geographic)
Quần thể này hình thành từ khoảng 1 đến 500 năm sau Công nguyên, thuộc quyền sở hữu của nhóm người bí ẩn Garamantes, những người cai trị từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 7 sau CN ở vùng đất sa mạc này.
Các nhà khảo cổ học còn tìm thấy những đồ gốm của Garamantes. Họ vô cùng ngạc nhiên về độ bền của hợp chất cổ đại bằng gạch bùn này.
Ông David Mattingly, người đứng đầu dự án, thuộc Đại học Leicester, Vương quốc Anh, cho biết: “Nhiều người lầm tưởng pháo đài này giống những thiết kế pháo đài biên giới La Mã. Nhưng trên thực tế không như vậy, nó đã vượt ra xa sự suy đoán, đó là những dấu hiệu hùng mạnh của vương quốc bản địa châu Phi”.
Các nhà khảo cổ học tin rằng ở Garamantes đã có luyện kim, chất lượng hàng dệt may rất cao, có cả hệ thống chữ viết… Đặc biệt hơn hết là hệ thống thủy lợi tiên tiến của Garamantes để tạo ra những ốc đảo xanh trong sa mạc.
Hiện vẫn chưa biết vì sao nền văn minh này biến mất, nhưng theo suy đoán của các nhà khoa học, cộng đồng sống trong sa mạc này đã không thể tiếp tục tồn tại khi hết nguồn nước ngầm. Ngoài ra việc đế chế La Mã sụp đổ, xung đột ở khu vực Địa Trung Hải cũng ảnh hưởng đến các con đường thương mại vốn nuôi sống các cộng đồng trong sa mạc.
Theo National Geographic, Tuổi Trẻ