Tình cờ chứng minh được giả thuyết kinh dị 200 năm tuổi về loài lươn điện

Cách săn mồi huyền thoại của loài lươn điện đã được chứng minh là có thật.

Dọc những con sông tại Nam Mỹ – đặc biệt là sông Amazon có một loài động vật săn mồi cực kỳ đáng sợ. Nó không có kích cỡ khủng khiếp như cá sấu, không nhanh và sở hữu bộ hàm sắc nhọn như cá piranha, nhưng vũ khí của nó lại là nỗi khiếp sợ cho hầu hết các sinh vật trên Trái đất này. Đó là Điện.

Vâng! Sát thủ chúng ta nhắc đến ở đây chính là loài cá chình điện – hay còn gọi là lươn điện. Chúng nổi bật với khả năng phóng điện giật kẻ thù. Mỗi khi tấn công, chúng phóng ra một loạt từ 10 – 30 xung điện với hiệu điện thế lên tới 500V, thậm chí 1.000V ra vùng nước xung quanh.

Cách thức tấn công của loài lươn này lại gây rất nhiều tranh cãi cho giới khoa học.

Xung điện này đủ khả năng làm tê liệt, hoặc giết chết con mồi của chúng. Ngay cả con người nếu dính liên tục xung điện của loài lươn này cũng có thể tử vong, dù các trường hợp thiệt mạng tương đối hiếm.

Tuy nhiên, cách thức tấn công của loài lươn này lại gây rất nhiều tranh cãi cho giới khoa học, bắt đầu từ một lý thuyết do Alexander von Humboldt – nhà khoa học người Phổ khởi xướng vào năm 1800.

Đầu tiên, không ai nghi ngờ gì chuyện cá chình điện có thể phóng điện vào vùng nước xung quanh. Thế nhưng trong một chuyến thám hiểm Amazon vào năm 1800, Humboldt kể rằng, ông đã tận mắt trông thấy cá chình điện lao lên mặt nước, tấn công một đàn ngựa.

Điều này tính đến thời điểm đó chưa hề được ghi nhận. Trong nhiều năm tiếp theo, người ta cũng chưa khi nào trông thấy loài lươn tấn công khi ở gần bờ. Hơn nữa, loài lươn hoàn toàn có thể lẩn tránh thay vì tấn cống.

Vì thế, nhiều người đã cho rằng Humboldt đã nói quá những gì mình trông thấy, và cách tấn công của lươn chỉ là… chuyện cổ tích không hơn không kém.

Bức vẽ do một người quen của Humboldt vẽ vào năm 1843 để mô tả hiện tượng này.

Tuy nhiên mới đây, giáo sư Kenneth Catania thuộc ĐH Vanderbilt (Mỹ) lại phát hiện ra cách tấn công của lươn điện là có thực. Và ông biết được điều này một cách hoàn toàn tình cờ, khi đang chuyển chỗ ở cho một con lươn trong phòng thí nghiệm.

Sử dụng lưới sắt để bắt lươn, ông nhận ra sau một hồi né tránh, chú lươn đột nhiên dừng lại, nhô hẳn lên mặt nước, ấn cằm của nó vào lưới và rồi “phát ra một loạt xung điện với hiệu điện thế cực cao”.

Nhận ra hiện tượng này, ông quyết định thực hiện một thí nghiệm khác, sử dụng một chiếc đầu cá sấu có gắn bóng đèn LED dưới da. Khi nhúng vào nước, con lươn đột nhiên phóng lên, ấn cằm và phóng điện.

Con lươn tấn công chiếc đầu cá sấu, phóng ra xung điện làm sáng đèn.

Giáo sư Catania cho rằng khi gặp phải kẻ thù có kích cỡ lớn hơn, đó sẽ là cách loài lươn tấn công. Bằng cách phóng người lên khỏi mặt nước, lươn điện có thể trực tiếp truyền tải điện vào con mồi với sức công phá tối đa. Hơn nữa, khu vực chịu shock điện cũng rộng hơn bình thường, do diện tích tiếp xúc lớn hơn.

Bằng cách phóng người lên khỏi mặt nước, lươn điện trực tiếp truyền tải điện sang con mồi.

Theo Catania, hành vi của lươn có lẽ là thành quả từ quá trình tiến hoá. Bằng cách tiếp cận con mồi, khả năng giật điện của lươn sẽ trở nên hiệu quả hơn, đồng thời tăng tỉ lệ tê liệt hoặc chết của con mồi.

Lươn điện phóng điện bằng cách nào?

Bên trong lươn điện có 3 cơ quan kỳ lạ, chiếm tới 80% cơ thể. 3 cơ quan này giống như các điện cực, chịu trách nhiệm tích điện và giải phóng.

Để cảm nhận được môi trường xung quanh, lươn điện phóng ra các xung điện thấp giống như việc sử dụng một radar để quét. Còn khi tự vệ và bắt mồi, loài cá này sẽ phóng một xung điện cao áp về phía mục tiêu với dòng điện có thể mạnh tới 1.000V.

 

Theo Trí Thức Trẻ