Một giám đốc marketing ở Seattle (Mỹ) đã nghỉ việc để dành trọn thời gian đi chụp bầu trời suốt một năm qua và cho ra đời tác phẩm panorama hoành tráng với độ lớn 5.000 megapixel.
Bức ảnh 360 độ về bầu trời đêm.
Tháng 3/2010, Nick Risinger, 28 tuổi, và anh trai đến sa mạc ở Nevada để ghi lại những tấm hình đầu tiên trong dự án Photopic Sky Survey. Nhận thấy công việc mình đang làm quá đồ sộ, anh quyết định thôi việc và thuyết phục người bố đang sống ở Washington cùng tham gia.
Nick Risinger sử dụng 6 camera thiên văn học được đồng bộ hóa để cho ra đời
bức ảnh lớn phía sau lưng anh. Ảnh: AP.
Risinger cùng bố lái xe cả ngày, còn ban đêm, anh thiết lập 6 camera theo dõi chuyển động của các ngôi sao trên bầu trời và miệt mài chụp hàng nghìn bức ảnh cùng lúc. Trong lúc đó, bố anh vẫn ngủ mê mệt. Hành trình của họ không chỉ ở các vùng như Arizona, Texas hay California, Colorado ở Mỹ mà còn đến cả Nam Phi nơi có những chòm sao không thể được quan sát bằng mắt thường ở bán cầu bắc.
Risinger chuẩn bị chụp tại Colorado, nơi nhiệt độ đêm chỉ -21 độ C.
Ảnh: SkySurvey.
Trở lại Seattle, Risinger bắt đầu sử dụng phần mềm để ghép 37.440 bức ảnh phơi sáng lại với nhau và tạo nên tấm hình toàn cảnh panorama với góc nhìn 360 độ về dải Ngân hà, các hành tinh, ngôi sao với màu sắc tự nhiên của chúng. Người xem có thể phóng to từng vị trí của tác phẩm để tìm thấy chòm sao Orion hay đám mây Magellan lớn (Large Magellanic Cloud).
Chòm sao Bọ cạp (phải) và dải ngân hà trong bức ảnh panorama của Risinger.
“Đây không phải hình ảnh hữu ích về mặt khoa học. Nó chỉ mang tính giáo dục và nghệ thuật”, Risinger cho hay. Anh chia bầu trời thành 624 phần và trong suốt một năm, anh phải lên lịch chính xác để có được các bức ảnh cần thiết ở cả 2 bán cầu bắc và nam.
Theo AP, Risinger đã hoàn thành dự án từ cách đây 2 tuần và website đăng ảnh Skysurvey.org đang thu hút hàng chục nghìn lượt truy cập.
Theo Vnexpress